Chuyên mục Vì quê hương: Giới thiệu dự thảo ý tưởng hồ sơ dự án cấp nước sạch cho bà con làng Lệ Sơn

Giới thiệu dự thảo hồ sơ dự án cung cấp nước sạch cho bà con làng Lệ Sơn trong mùa mưa lũ của nhóm tác giả do Th.Sỹ Lương Văn Đức đề xuất. Nhóm mong muốn nhận được những góp ý về các ý tưởng thiết thực của bà con xung quanh đề tài này nhằm tạo dựng nguồn nước sạch, an toàn, lâu dài cho bà con Lệ Sơn trước và sau lũ lụt.
PHỤ TRÁCH CHUYÊN MỤC VÌ QUÊ HƯƠNG
Chuyên mục giới thiệu các dự án phục vụ cộng đồng

Th.sỹ Lương Văn Đức
Email: chuyentrang@langleson.net

Giới thiệu bản thân:

Nơi công tác: Phòng Quản lý Khoa học - Hợp tác quốc tế. Đại học Quảng Bình.
Chuyên ngành: Công nghệ môi trường. Đang nghiên cứu sinh tại Đại học Kumamoto (Nhật Bản từ 4/2014), tại khoa Kỹ thuật và xây dựng dân dụng.

Chỗ ở hiện tại: Bắc Lý, Đồng Hới, Quảng Bình.
Phả hệ: con ông Lương Khắc Hóa, cháu nội ông Lương Khắc Toản và cháu ngoại ông Lê Doạn.
Mong muốn cá nhân: Được đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho sự phát triển của quê hương.

DỰ ÁN CẤP NƯỚC SẠCH CHO BÀ CON LÀNG LỆ SƠN TRONG MÙA LŨ
 
1. Mô tả địa điểm thực hiện dự án

Xã Văn Hoá là xã miền núi của huyện Tuyên Hoá (tỉnh Quảng Bình).
Phía Bắc giáp xã Tiến Hoá.
Phía Tây giáp xã Châu Hoá.
Phía Nam giáp xã Quảng Sơn (huyện Quảng Trạch).
Phía Đông giáp xã Phù Hoá (huyện Quảng Trạch).

2. Mục tiêu

2.1. Mục đích của dự án

Nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho người dân xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình thông qua tiếp cận với nguồn cung cấp nước sạch với sự tham gia của cộng đồng trong bối cảnh của biến đổi khí hậu toàn cầu, đáp ứng chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường.

3. Địa điểm triển khai dự án:

Xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Xã gồm có 10 thôn bao gồm: thôn Thượng Phủ, Đình Miếu, Phúc Tự, Bàu Sỏi, Văn Hóa, Xuân Hạ, Hà Thâu, Trung Làng, Xuân Tổng, Trung Đình.

 

Hình 1. Các thôn thực hiện dự án.

Thuyết minh dự án:
Các giải pháp thông dụng hiện nay để xử lý nước, lưu trữ nước trong mùa lũ vẫn còn có những yếu tố bất cập, không phù hợp về vệ sinh và tính bền vững, sử dụng lâu dài, an toàn và tiết kiệm. Việc sử dụng thuốc khử trùng sau lũ tốn kém và mất rất nhiều thời gian, không giải quyết được nhu cầu sử dụng nước trong và sau lũ, đòi hỏi các công đoạn như thau rửa giếng, vét bùn, xử lý nhiều lần bằng hóa chất. Cụ thể: phương pháp truyền thống như thau, vét giếng trong lúc mức nước giếng đang cao. Cách này vừa mất thời gian vừa dẫn tới nguy cơ vỡ thành giếng hoặc bị bùn cát dưới đáy giếng đùn lên làm hỏng giếng.

Nguyên nhân: do chênh lệch quá lớn áp lực nước bên ngoài với bên trong thành giếng. Trong khi đó, phương pháp dùng hoá chất với phèn chua, Cloramin để làm trong và tẩy trùng vừa tốn kém, vừa dẫn đến nước có mùi và độc hại cho người dùng. Mặt khác, nếu quy mô trận lụt là cả một vùng dân cư rộng lớn thì khả năng sử dụng hoá chất thật khó đáp ứng nổi, gây nhiều tốn kém và không thân thiện với môi trường.

Các giải pháp thay thế như chứa nước trong các lu hay giếng nước bịt kín vẫn còn chứa đựng nhiều yếu tố mất an toàn vệ sinh bởi vì các bao bọc lu và giếng có thể bị hư hỏng do các vật sắc nhọn va phải trong mùa mưa lũ, có nguy cơ cho các vi sinh vật gây bệnh xâm nhập. Bên cạnh đó, giải pháp này chỉ có hiệu quả sau khi lũ, còn trong lũ người dân vẫn không có nước để sinh hoạt.

Giải pháp được đề xuất đó là: Sử dụng nước mưa, kết hợp với việc xây dựng hoặc xây cao thành giếng với cao trình cao hơn mực nước lũ từ 1,5 đến 2m, tùy vùng ngập, có bậc lên xuống để dễ múc nước bằng gầu, thì chỉ tốn 300 – 400 viên gạch, 120-150 kg xi măng với giá thành khoảng 500.000đ. Sau đó, làm cái nắp bằng phên tre dày đậy trên miệng giếng có buộc, để không cho lá cây, vật lạ rơi vào giếng.

Vấn đề cần sự góp ý của bà con:

Việc xây cao thành giếng chỉ hợp lý trong mùa lũ nhưng nếu lũ xong rồi mà bà con vẫn phải sử dụng những giếng nước có thành cao như thế thì vất vả quá!!! Hiện nhóm nghiên cứu đang tìm kiếm các giải pháp khả thi hơn. Câu hỏi đặt ra đó là: làm sao cho bà con vẫn có nước sử dụng an toàn, đủ TRƯỚC, TRONG VÀ SAU LŨ.

Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của bà con. Đây là một dự án lớn, đang hoàn thiện hồ sơ và các căn cứ, luận chứng xác đáng để xin vốn triển khai. Dự án sẽ tăng quy mô nếu bà con có được ý tưởng hay, thiết thực
.

Tác giả bài viết: Lương Văn Đức