Nghề hay - Nuôi cá Lóc trong hồ xi măng

Bản tin số 2 của chuyên mục Nghề hay. Giới thiệu nghề nuôi cá lóc trong hồ xi măng
PHỤ TRÁCH CHUYÊN MỤC
Lương Duy Toản
toanduyluong.vnfm@gmail.com
Hotline:


Số phát hành tin: 02

Bài viết kỳ trước:
1.Giới thiệu chuyên mục Nghề hay - Nuôi thỏ ở làng Lệ Sơn, nên hay không nên ?


Lời giới thiệu:  Cá Lóc theo cách gọi của người miền Nam hay cá quả của người miền Bắc là tên của một loại cá sống ở nước ngọt trong  ao hồ hoặc ruộng lúa mà bà con Lệ Sơn ta hay gọi là cá Tràu. Loài cá này cho thịt chắc, thơm ngon và giàu dinh dưỡng. Những năm gần đây, với quá trình công nghiệp hóa nên diện tích ao hồ đang bị thu hẹp và bên cạnh đó là sự đánh bắt theo kiểu tận diệt đã làm cho sản lượng cá tràu trong tự nhiên ngày càng giảm dần. Xin giới thiệu mô hình nuôi cá Tràu làm kinh tế ở Phan Thiết của kỹ sư Đỗ khắc Thế trên báo NNVN.

Bà con Lệ Sơn ai quan tâm đến mô hình này xin liên hệ với kỹ sư thủy sản Lê Thương - Phòng nông nghiệp Tuyên Hóa, điện thoại liên hệ 0982027677

Anh Bảy Ngọc, ngụ tại xã Phong Nẫm, thành phố Phan Thiết đã xây hồ xi măng để nuôi cá lóc.

Nhờ siêng đọc sách báo, tham gia các lớp tập huấn khuyến ngư mà anh Bảy Ngọc nắm bắt được kiến thức kỹ thuật nuôi cá lóc. Anh mạnh dạn xây hồ xi măng trên diện tích đất vườn của gia đình. Ban đầu, anh xây 3 hồ có diện tích 10 m2/hồ, xây xong anh đi tìm nguồn cá giống. Anh đi xuống các tỉnh miền Tây mua cá giống về thả. Do tích lũy kinh nghiệm nên đàn cá của anh nuôi chỉ hơn 4 tháng đã đạt 0,4 kg/con và có thể xuất bán ra thị trường. Bình quân anh nuôi từ 4 đến 5 tháng/lứa. Về con giống, anh chọn loại cá giống có trọng lượng khoảng 60g/con, mật độ thả khoảng 50 con/m2, một lứa anh thả khoảng 1.500 con trong 3 hồ. Sau khi nuôi hơn 4 tháng, trừ hao hụt 10% anh thu được khoảng 550 kg, với giá bán bình quân 40.000 đồng/kg, anh thu được trên 22 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, anh thu lãi khoảng 12 triệu đồng/lứa, như vậy, một năm anh thu lãi khoảng 30 triệu đồng.

Anh Ngọc cho biết: “Trong quá trình nuôi, phải thực hiện kỹ thuật nghiêm ngặt, trước khi thả cá giống phải để cá trong túi chứa cá từ 10 đến 15 phút, cho nước vào túi rồi từ từ thả cá ra ao. Đặc biệt trước khi thả cá nên tắm cho cá bằng nước muối có nồng độ 5% (5g muối/lít nước) và thả vào sáng sớm hay chiều mát. Thức ăn cho cá dùng các loại tôm, tép, cá con và thức ăn chế biến gồm 60% cá tạp hoặc phế phẩm ở cơ sở chế biến thủy sản như đầu, đuôi, xương… xay nhuyễn sau đó trộn với 20% bột đậu tương, 10% cám, 5% men và 5% vitamin và muối khoáng. Cho cá ăn hàng ngày bằng 5% trọng lượng đàn cá, lúc còn nhỏ cho cá ăn 3 lần/ngày, khi cá được 2 tháng tuổi cho ăn 2 lần/ngày và sau đó chỉ cho 1 lần/ngày cho tới khi xuất bán…”.
 

Mô hình nuôi cá lóc trong hồ xi măng, có ưu điểm là không cần phải có diện tích lớn, chỉ tận dụng một số diện tích đất vườn không trồng trọt được để xây hồ nuôi. Mặc dù là cá nuôi nhưng thức ăn cho cá từ nguồn cá biển nên thịt cá chắc và thơm ngon, có giá trị không kém cá lóc tự nhiên. Đây là mô hình mới ở Bình Thuận, hiện nay nhiều nông dân trong tỉnh đến tham quan mô hình của anh Bảy Ngọc để nhân ra diện rộng.

Tác giả bài viết: Lương Duy Toản