Tìm hiểu con sông Linh Giang và vùng đất xa xưa nơi đây qua bài thơ của vua Lê Thái Tông

Giải nghĩa những vần thơ của vua Lê Thái Tông để tìm hiểu về cảnh vật và cư dân sống ven dòng sông Gianh thơ mộng của tác giả Cảnh Giang
Sông Gianh là con sông lớn nhất, trong 5 con sông của tỉnh Quảng Bình. Đi qua sông Gianh, xưa gọi là Đại Linh Giang, một con sông mang dấu ấn của  thời gian, dấu ấn của lịch sử, con sông đầy kỳ tích và huyền thoại. Một con sông giàu cảm hứng thi ca. Bởi vậy người yêu thơ, làm thơ khi đến nơi trời nước mênh mông này, không ai không muốn tức cảnh sinh tình, để lại cho đời những vần thơ, gửi gắm của lòng mình.
 

Ảnh Dòng sông Gianh hôm nay

Tháng Giêng, năm 1471, trên đường hành quân đi đánh Chiêm Thành, vua Lê Thánh Tông ghé qua sông Gianh, khi dừng hạm đội ở cửa sông Gianh, đã tức cảnh sinh tình để lại bài thơ : "Linh Giang Hải Tấn "                                                                                                       

    Linh Giang Hải Tấn
       ( Phiên âm)

Sơn bảo hồi hoàn hải diểu di

Bố Chính tùng cổ hiệu hoang thuỳ .

Tịnh hà thôn lạc mao vi ốc

Triệt phố quan tân trúc tác kỳ

Nữ thượng phong yêu khoa yển vãn

Dân điều quých thiệt ngữ thù ly

Ký nam thánh hoá hoằng nhu viển

Khẳng hạn phong cương ngoại đạo vi .

Cửa biển sông Gianh

     (Dịch nghĩa)

Núi ôm bao bọc biển nước mênh mông xa mờ

Châu Bố Chính từ xa xưa là miền biên thuỳ xa cách hoang vắng

Nhà cửa trong làng xóm theo dọc sông đều lợp tranh

Từng đọan ven sông nơi bờ quan ải tre đứng cao làm cờ

Con gái ưa thắt lưng ong cho là đẹp

Dân thì nói líu lo ríu rít như tiếng chim quých

Bậc thánh  nhân đi giáo hoá  đến miền Nam để vỗ về phương xa

Không vì ngoài biên cương hiểm trở mà bỏ người dân nơi hải đảo này .


Cửa biển sông Gianh  ( Theo Đại Nam Nhất Thống Chí -
Cụ Nguyễn Đình Diệm dịch thơ)

Núi bọc chung quanh biển mịt mờ

Bố Chính ngày trước vẫn hoang sơ

Ven sông làng xóm nhà tranh cỏ

Khuất bến tre pheo dựng cột cờ .

Gái thắt lưng ong khoe yểu điệu

Dân hoà giọng quých nói líu lo

Trời  Nam đã rưới ơn mưa móc

Chẳng phải xa xôi bỏ cõi bờ .

Vua Lê Thánh Tông, là hoàng tử Lê Tư Thành con thứ tư và là con út của vua Lê Thái Tông; Ông lên làm vua năm  18 tuổi (Từ năm 1460 đến năm 1497), thọ 56 tuổi.

Vua Lê Thánh Tông trong suốt 38 năm làm vua,  ngay sau khi nắm chính quyền, đã rất quan tâm xây dựng triều đình, biến triều đình thành một bộ máy trung ương tập quyền mạnh. Năm 1490 Lê Thánh tông ban định thể thức vẽ bản đồ cả nước, lập nên Hồng Đức bản đồ, ông rất quan tâm đến việc phát triển kinh tế, mở mang giáo dục văn hóa xã hội. Là Người hết sức quan tâm việc giữ vững cương thổ quốc gia. Ông thường nói với triều thần, câu nói nổi tiếng: "Chúng ta phải gìn giữ đất đai của tổ tiên, không để cho ai lấy một phân núi, một tấc sông của Thái Tổ để lại...". tạo cơ sở quan trọng cho việc giữ vững chính trị, an ninh quốc phòng.

"...Thời Lê Thánh Tông là thời kỳ đất nước Đại Việt đạt tới mức Thịnh trị bậc nhất, trong nước thì chính trị ổn định, kinh tế giáo dục, văn hóa xã hội phát triển, an ninh vững chắc, đời sống nhân dân no đủ, ngoài nước thì các lân quốc phải nể trọng, lại còn mở mang đất đai thêm nhiều vùng..." (Giản yếu sử Việt Nam, trang 310).

 Năm 1470, Vua Chiêm Thành là Trà Toàn, một mặt cho người sang cầu cứu vua Minh, một mặt dẫn hơn 10 vạn quân sang đánh Hóa Châu, Đại Việt. Vua Lê Thánh Tông, đưa 20 vạn quân xuống phía Nam đánh dẹp, bắt sống vua Chiêm, và giành lại toàn bộ vùng đất mà quân Chiêm chiếm được.

 "...Thời Vua Lê Thánh Tông, ông đã quan tâm mở mang việc học hành thi cử, tự tay viết Đạo Dụ Khuyến học, mở rộng nhà Thái học, đặt lệ xướng danh rước biển vinh quy và theo tiếp lệ khắc tên các Tiến sĩ lên bia đá đặt ở Quốc Tử Giám. Dựng bia bí thư để lưu giữ sách vở, mở nhà Tế sinh để chửa bệnh cho dân, đặt ra 24 điều giáo hóa phổ biến đến tận thôn xã nhằm khuyến khích thuần phong mỹ tục..." (Giản yếu sử Việt Nam, trang 310).

Bản thân Lê Thánh Tông đã sáng tác nhiều thơ ca lưu lại trong các tác phẩm của ông như: Lê Thánh Tông thi tập, Hồng Đức quốc âm thi tập,  Xuân Vân thi tập.vv...

Bài thơ "Linh Giang Hải Tấn" được rút ra trong "Lê Thánh Tông thi tập". Là một trong những bài thơ của ông Vua ra trận, mang đậm tình người, tình đất nước thiết tha.

Khi hạm đội của Vua Lê Thánh Tông dừng chân ở cửa biển Linh Giang, nơi "Biển nước mênh mông xa mờ" Nơi Bố Chính xưa: " Biên thùy xa cách hoang vắng..." Nơi : " Nhà cửa trong làng xóm theo dọc sông đều lợp tranh ". Mới hiểu thấu tấm lòng của một vị vua, dẫu việc quân bận rộn vẫn quan sát, vẫn yêu thiên nhiên đất nước, thương đồng bào, sống dưới mái tranh nghèo, phải chịu cảnh binh đao, máu lửa. Hận Quân Chiêm Thành xâm lăng bờ cõi, đe dọa cuộc sống dân lành. Để dành lại từng phân núi, tấc sông của ông cha, mà vua Lê Thánh Tông phải đích thân cầm quân xông trận, sống chết với quân thù, đem lại hạnh phúc cho nhân dân, sự yên bình cho xã tắc. Làm việc lớn cứu dân cứu nước, Vua Lê Thánh Tông đi tới đâu cũng được quân, dân hưởng ứng, nên "Từng đoạn ven sông nơi bờ quan ải tre đứng cao làm cờ ..." để động viên, khích lệ người ra trận...

 Lê Thánh Tông dù chỉ dừng chân nơi cửa biển sông Linh Giang này không lâu, nhưng ông đã am hiểu tính cách, của người con gái sông Gianh, Quảng Bình thời đó: "Gái thắt lưng ong khoe yểu điệu..."  Nghĩa là : "Con gái ưa thắt lưng ong cho là đẹp...", cái đẹp nết na, hiền dịu, của người con gái thôn nữ, thời chiến chinh, chia li, loạn lạc, vẫn giữ gìn cái đẹp đoan trang, phúc hậu, một mực thủy chung, chờ chồng nơi chiến trận... Dẫu thời gian ngắn ngủi, nơi cửa biển Linh Giang, nhưng với sự thông minh, tài trí, tấm lòng yêu nước thương dân, Vua Lê Thánh Tông vẫn hiểu hết dân tình, vẫn  ví giọng nói của dân xứ sông Gianh này như tiếng con chim Quých:

 " Dân hòa giọng Quých nói líu lo ..."

Khép lại bài thơ: "Linh Giang Hải Tấn" của nhà vua, nhà thơ Lê Thánh Tông, viết về tình cảm của mình với cảnh và người, trên dòng sông Đại Linh Giang, cách đây hơn 540 năm, vẫn như còn vang vọng đâu đây, lời tâm tình của một vị vua yêu nước, thương dân. Cũng nơi con sông này,  mà hơn 300 năm sau, nhà thơ Phan Huy Ích vâng lệnh vua Lê vượt sông đi đánh quân Trần để lại bài thơ " Qua sông Gianh " đã viết:

 " Đã hai trăm năm con sông giải áo ngăn cách "(1774).

Cho đến thời Nguyễn Du làm cai bạ Quảng Bình (năm 1809)  Nhà Đại văn hào cũng có bài " Qua sông Gianh " Ông viết: " Xương trắng cồn xanh trăm chiến công..."

 Sông Gianh nơi chiến sự ngút ngàn, ngày đêm khói lửa binh đao, xương chất thành gò thành lũy, máu chảy thành sông... vẫn ngân vang những vần thơ ngọt ngào như dòng nước thượng nguồn chảy về ngã ba sông; vẫn vang vọng những vần thơ lửa cháy để nhấn chìm quân giặc xâm lăng giữ yên bờ cõi. Để những trận Kháng Pháp: "Trên sông Gianh ngày ấy" (1) và người "Con gái sông Gianh đánh Mỹ" (2) bây giờ.  Cho cầu sông Gianh, nối đôi bờ đất nước, mãi mãi thanh bình, vẫn âm vang thơ của một vị vua ra trận.

Năm trăm bốn mươi năm đã trôi qua, nhưng tiếng lòng của một nhà Vua, nhà thơ yêu nước Lê Thánh Tông, vẫn ấm mãi trong lòng hậu thế. Nên chăng trên bến cảng sông Gianh này ta dựng một tấm bia di tích,  khắc bài thơ đó để ghi lại dấu ấn lịch sử của một thời trận mạc ?  một Di sản phi vật thể cần được thăng hoa.

Chú thích:

(1) Thơ Xuân Hoàng
(2) Thơ Lưu Trọng Lư

Tác giả bài viết: Cảnh Giang