Thư gửi các bạn Hạ Sông Gianh

Bức thư gửi các bạn hạ Sông Gianh của tác giả Lương Duy Thắng viết tặng các anh Trường Lưu Cao Lao và Tiên Gia Cat
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 18/6/2012

Các bạn hạ sông Gianh thân mến !


Đã quen biết nhau trên LLS.net, xin mời các bạn đến sân đình Làng Lệ Sơn như lời hẹn hôm nào với Tiên Gia Cát để chúng ta cùng đàm đạo “thưởng thức mây trời, gió lộng và cảnh sông núi hữu tình “ của Làng tôi nhé.

Trong văn học, nghệ thuật, người ta thường dùng hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình để ngợi ca vẻ đẹp và sự gần gũi, thân thiết của một làng quê. Trong đó, Đình Làng là nơi được nhắc đến nhiều hơn cả và là nơi mà văn hóa bình dân hiện ra rõ nét nhất (câu nói : “Giữa đình, giữa chợ”  để chỉ sự phóng túng trong ngôn ngữ giao tiếp và cũng ngầm ý răn người ta giữ mồm giữ miệng. Hay câu ca dao : “Hôm qua tát nước sau đình”.. hay tiểu thuyết “Việc làng “ của cụ Ngô Tất Tố v.v.) đã nói lên rằng: cái cơ sở văn hóa phức thể Đình Làng rõ ràng là nơi rất gần gũi và thân thiết với những người dân quê hiền lành, mộc mạc.

Đó là nói chung, còn nói riêng về Đình Làng Lệ Sơn thì chắc các bạn đã đọc các bài viết trên LLS.net, tôi khỏi phải nhắc lại. Có điều, cũng như người dân ở mọi miền quê, luôn tự hào về quê hương, bản quán của mình, tự hào vì một lẽ nào đó hiện hữu trong đời sống của họ, mà cái lẽ đó có thể là hiện thực nhưng cũng có thể chỉ là tiềm thức tâm linh. Người Lệ Sơn chúng tôi cũng vậy, làng tôi thuần nông, hàng năm phải hứng chịu lũ lụt, đời sống vật chất còn khó khăn ... nhưng người dân quê tôi sống trong tinh thần lạc quan, với niềm tự hào về truyền thống hiếu học, xếp đầu “Bát danh hương“, về cảnh đẹp hữu tình mà tạo hóa ban tặng gắn với huyền tích 99 chim phương hoàng, đầy lãng mạn và khí phách như con người Lệ Sơn. Bây giờ, mời các bạn, chúng ta cùng đi dạo quanh Làng, làm bạn với trời mây - sông núi và cảnh vật quê hương tôi.

 

Hình 1 - Sông nước Lệ Sơn

 
Chiều tà, mặt trời khuất bóng. Hoàng hôn buông xuống, ánh trăng chênh chếch đầu lèn, gió nồm  mơn trớn, vuốt ve, đọng lại trên làn môi ta vị mặn. Trước mặt ta là dòng sông Gianh, con sông đã muôn đời tuôn chảy mang theo biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử. Từ cái thời Trịnh Nguyễn phân tranh, đến thời tàu chiến Pháp, ngược dòng xé nước, rồi lại đến thời bom đạn Mỹ dội xuống dòng sông. Ôi ! Dòng sông Gianh đau thương mà anh dũng, sẻ chia với người dân làng tôi cả nỗi đau và hào khí Lệ Sơn.
 

Hình 2 - Đêm trăng ở Lệ Sơn
 
Đêm nay, dòng sông thanh bình đang níu ánh trăng ngà, làn nước xanh màu lục thủy gợn sóng lăn tăn, lấp lánh, bình thản và lặng lẽ trôi êm đềm. Thảng, một vài con cá quẫy, mặt nước lóa lên, lung linh ánh bạc. Xa xa, dọc theo làng là dãy núi đá vôi in màu tím sẫm trên bầu trời đầy ánh trăng, sao. Núi im lìm, soi bóng xuống dòng Gianh, như hẹn hò, như tâm sự, lại như đang chiêm nghiệm về sự tồn tại hàng triêu năm núi, sông gập nhau trên đất Lệ Sơn này ! Núi sừng sửng, trầm mặc nghĩ suy về  quá khứ với  sự tích mang màu sắc huyền thoại  99 con chim Phượng.

Chưa bao giờ và mãi mãi, chẵng có con Phượng Hoàng nào đến đậu trên lèn đá Lệ Sơn và huyền thoại vẫn chỉ là huyền thoại nhưng trong mỗi tâm hồn con người Lệ Sơn giàu mơ mộng và đầy tự tôn, kiêu hãnh về quê hương yêu dấu của mình thì điều đó dù xa xưa vẫn là sự thật. Và dưới ánh trăng thanh, Làng tôi như một con rồng xanh phủ phục bên núi, bên sông. Cả một dãi dài dọc theo sông, theo núi là xóm là thôn, xanh tươi, dịu mát bởi những vườn cây “mướt quá, xanh như ngọc“ (Hàn Mặc Tử)  và lấp ló, ẩn mình trong những vườn cây là những ngôi nhà thấp thoáng như trong chuyện cổ tích. Những hàng cau vút lên trời cao, tàu lá phất phơ trong gió, trong trăng như chào mời, vẫy gọi ai đó, hãy đến với Lệ Sơn và sẽ thêm yêu thêm quý mãnh đất này !

 

Hình 3 - Chuyến tàu qua Làng

Đêm đã về khuya, không gian yên tĩnh, vọng tiếng còi tàu qua ga Lệ Sơn. Làng Lệ Sơn đang ngủ ? Không làng tôi đang thức chuẩn bị cho một ngày mới khi bình minh ló dạng  phía chân trời, nơi quê hương các bạn  !

Chào tạm biệt các bạn. Hẹn gặp lại ./.

Tác giả bài viết: Lương Duy Thắng