Thư gửi Mẹ

Giới thiệu lá thư gửi Mẹ của nữ Giáo sinh Lương Thị Thanh Hương, xóm Chùa, thôn Phúc Tự, Lệ Sơn, Văn Hoá
Lời BBT: Có một người con muốn thông qua chuyên trang để gửi tới Mẹ những tình cảm thiêng liêng của mình. Bài viết với những dòng tâm sự rất thực, rất bình dị nhưng chất chứa vô vàn tình yêu dành cho Mẹ. Người Mẹ chịu nhiều thiêt thòi, người mẹ đã hy sinh thầm lặng cả cuộc đời mình để nâng cánh cho con bay lên giữa dòng đời bề bộn. Ban biên tập chuyên trang xin giới thiệu bài viết của bạn Lương Thị Thanh Hương ở xóm Chùa, thôn Phúc Tự, Lệ Sơn, Văn Hoá.


Đôi nét về tác giả: Lương Thị Thanh Hương
Học sinh trường: PTTH Lê Trực - Tuyên Hoá
Sinh viên trường Đại học sư phạm Huế khoá 2007
Email: luongthithanhhuong590@gmail.com

 
 
Sinh ra nơi làng quê nghèo, quanh năm chỉ biết hái rau, cắt cỏ tuổi thơ tôi chưa một lần biết đến ngày sinh nhật. Nhưng không chỉ có tôi mà có lẽ tất cả những đứa trẻ ở quê tôi đều vậy. Đầu tắt, mặt tối, cha mẹ tôi " bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" song bầy con nheo nhóc vẫn đói khát hàng ngày.
 
Lên 6 tuổi tôi được theo bạn cắp sách tới trường. Quê tôi nghèo lắm, đã nghèo lại đói, một năm chỉ làm được một vụ mùa, nên không đủ nuôi sống mấy miệng ăn. Mẹ tôi phải bươn chải kiếm thêm mớ tôm, mớ tép bán ở chợ làng. Tiền kiếm chẳng được là bao nhưng mẹ vẫn dành dụm, bớt xén cố mua cho tôi bộ quần áo đề vào năm học mới.
 
Tôi vui lắm!
 
Sau mỗi buổi học, tôi thay vội chiếc áo xanh thẫm, vá ngang, vá dọc, để ra đồng hái rau, bắt con tôm, cái tép để phụ giúp mẹ. Cái đói luôn cận kề, đứa nào cũng gò lưng ra mò cua, bắt ốc phụ cha mẹ kiếm bữa cơm đạm bạc.
 
Lên cấp hai, tôi được học ở ngôi trường làng mới xây, khá khang trang, tôi cảm thấy rất hãnh diện về nó.Chao ôi! sao lúc đó tôi cảm thấy hạnh phúc đến vậy!
 
Quê tôi lúc ấy không còn nghèo như trước, nhà nào cũng có cái ăn cái mặc, lũ trẻ không còn phải mặc những chiếc áo sờn vai, mòn gối tới trường. Nhưng cảnh nhà nông lam lũ, người làng tôi chẳng có lấy một ngày nghỉ ngơi, mưa dầm, nắng cháy, phơi lưng ngoài đồng. Mẹ tôi cũng vậy, quần quật cả ngày, hết vụ mùa lại đi hái rau, bắt ngao, bắt tép...Ba đứa tôi ăn học ngày càng tốn kém.
 
Ngày ấy, một đứa trẻ nhà quê như tôi thì những ngày lễ là một món hàng xa xỉ. Nghe ti vi nói sắp đến mùa Vu Lan, tôi tò mò hỏi mẹ " Vu Lan là gì hả mẹ?". Sau hè, tay vẫn đều đều băm chuối cho heo mẹ đáp giọng thật buồn:
 
"Mẹ cũng không biết!"
 
Phải rồi, mẹ cũng như tôi sinh ra sau lũy tre làng, nơi xa nhất mẹ đến chỉ là chợ Ba Đồn, quanh năm ruộng vườn cứ quẩn lấy chân tay. Tôi dần lãng quên chút băn khoăn nhỏ thoáng qua, suốt nhiều năm tôi không hề giải đáp.
 
Nhận giấy báo trúng tuyển Đại học, cả nhà mừng như vừa trúng vụ chiêm. Đêm ấy, đêm cuối cùng tôi được ngủ cùng mẹ để ngày mai lên đường đi học xa, cố ngửi cái mùi khét nắng thân thuộc trên mái tóc, mắt tôi ướt đẫm dúi sâu vào lòng mẹ. Đôi bàn tay mẹ thô ráp chai sạn, vuốt ve, mẹ an ủi, dặn dò tôi.
 
Vào Đại học cũng là lúc tôi biết được câu trả lời " Vu Lan là gì hả mẹ?"- là hơi ấm tỏa ra từ đôi bàn tay mẹ, là ánh mắt mẹ nhìn con thật hiền.
 
Suốt một đời mẹ chưa hề biết có ngày lễ Vu Lan nhưng mẹ biết điều mà con biết: Tình yêu vô bờ mẹ dành cho con.

Cuộc đời con chưa nói một lời yêu mẹ nhưng con biết không ai hiểu con bằng mẹ.
 
 Yêu lắm mẹ của con!

Tác giả bài viết: Lương Thị Thanh Hương