Phượng đỏ Nậm Chu

Nhân 20-11, Xin tặng bài viết này cho thầy cô giáo và các bạn đã cùng tôi học qua Trường cấp 3 Tuyên Hóa (nay là Trường THPT Phan Bội Châu - Quảng Bình). Vì cũng đã quá lâu nên xin được bạn bè tha thứ nếu có những nhầm lẫn về tên gọi của một số bạn bè trong các sự kiện nhé.

Trường dựa lưng vào đồi Nậm Chu, ngoảnh mặt ra sông Gianh trầm mặc. Cả huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình) những năm đầu sau 1975 chỉ có một trường cấp 3 này nên học trò ở xa như chúng tôi hoặc phải bỏ học khi hết cấp 2, hoặc chấp nhận lều chõng đuổi con chữ.

Cha mẹ tôi đều làm cán bộ nhà nước nên con sinh ra đứa nào cũng có tiêu chuẩn 13 kg lương thực/tháng. Tiếng là thế nhưng chỉ một phần là gạo vừa ẩm vừa hôi mốc, phần còn lại có tháng là ngô xay, khoai lang bằm phơi khô, bo bo.

Cứ cuối tuần, tôi chưa về nhưng ở nhà mẹ đã chuẩn bị sẵn 6 lon gạo, ngô xay hoặc khoai khô. Thức ăn thì mẹ chuẩn bị cho tôi luôn là hũ muối hạt rang giã nhỏ trộn với gốc sả bằm pha thêm ruốc và một tí bột ngọt. Đôi khi giữa tuần, thấy tôi bất ngờ quay về, biết là thèm ăn canh nên mẹ tất tả ra ruộng xúc mớ tép hoặc bắt dăm con ốc bươu về nấu nồi canh khế.
 


 

Tôi vào năm đầu của cấp 3, mẹ chạy vạy mua cho 2 bộ quần áo xanh mặc mãi cho đến ngày ra trường. Thoạt đầu, tôi trọ ở nhà một chú cán bộ xã. Nhà chú đông con nên tôi trở thành con lớn trong nhà. Vợ chồng chú thương tôi lắm nhưng đàn con vừa nghịch vừa dại nên quấy tôi không học được. Đêm thắp đèn lên, chúng chia nhau rình tắt. Sách vở hở ra là chúng giấu. Riết, tôi đành xin cô chú để về Nậm Chu tá túc với đám bạn cùng xã.

Nậm Chu mênh mông và vô chủ, thầy cô sống trong khu tập thể của trường chia nhau từng khỏanh làm vườn. Đám bạn không đi ở trọ nhà ai chỉ vì ít đứa như tôi tạm có đủ gạo ăn để khỏi phiền lụy nhà trọ. Cứ đầu năm học, chúng chạy vạy kiếm dăm tấm lá cọ, vài khúc tre dọc sông rồi hì hục xúm nhau dựng lều chênh vênh bên lưng đồi. Khi mưa to gió lớn, chúng kéo xuống lớp học trú tránh.

Nhàn và Cơ là hai thằng khổ nhất. Đứa nào cũng độc một bộ quần áo và mỗi tuần nhiều lắm thì chỉ có 2 lon gạo, ngô và khoai lang khô vẫn là thứ xa xỉ.

Đói nên đêm nào chúng tôi cũng lùng sục vào vườn của thầy cô hái bí, vặt rau lang, hên nhất là vớ được ngô. Vườn của thầy hiệu trưởng là phong phú nhất, quanh năm xanh rau trĩu quả nhưng chúng tôi chỉ dám vặt những trái nhỏ, non vì sợ thầy biết. Rủi đúng hôm tôi và Nhàn rinh mấy trái bí đỏ từ vườn của thầy về, giữa đêm khuya đang hả hê đãi cả bọn nồi cháo bí hầm muối trắng thì thầy xuất hiện. Thấy chúng tôi định bỏ chạy, thầy chặn lại rồi nhẹ nhàng: “Ăn cắp là tội rất xấu. Trái bí, ngọn rau cũng không nên ăn cắp. Nhưng đây là vườn của thầy, mấy em khi đói cứ vào hái nhưng nhớ hái trái to, chừa trái non lại để mai mốt nó lớn mình ăn được nhiều hơn. Rau cũng cứ tỉa lá to ăn trước, đừng nhổ cả gốc sẽ phí”. Rồi thầy ngồi xuống nếm thử món cháo. “Cháo bí phải có thêm đậu phụng mới ngon. Từ nay, khi nào nấu cứ xuống bếp của thầy xem có đậu phụng thì lấy. Không có thì xin các cô”. Chúng tôi rơi nước mắt rồi a lê hấp nhào vào giành nhau húp cháo. Từ đó, chúng tôi hết phải thức đêm trộm bí trộm rau cứ đến xin thầy, xin các cô và chiều nào cũng chia nhau xuống sông xách nước tưới vườn phụ giúp thầy cô.

Thú vui nhất khi rỗi của đám học sinh trên đồi Nậm Chu là những buổi trưa xòe tay lấy kim khơi đường chỉ tay để bắt ghẻ. Chán thì quay sang banh áo quần ra diệt rận. Thứ rận li ti nhưng cắn rất ngứa, giết mõi tay, luộc cả áo quần mà chúng cũng không hết. Thằng Nhàn nghĩ ra việc cứ để cho chúng làm ổ đẻ đầy trong lai áo, lưng quần, chừng nào dày đặc thứ trứng đục nhờ thì mang áo quần ra trải trên bàn học, lấy chai lăn để cà nghe nổ lụp bụp rất vui tai.

Lũ chúng tôi cứ thế vật vạ qua ngày trên Nậm Chu nếu không vì xảy ra hai việc. Hồi đó, cứ giờ ra chơi trong buổi học sáng, cả đám kéo nhau ra sông hóng gió. Hứng lê là kéo nhau vượt sông, lên đường tàu hỏa cuốc bộ về nhà. Từ giữa sáng, đi miết đến tối mịt mới về đến nhà rồi lại quày quả suốt đêm quay lại trường. Đôi khi gặp dịp có tàu hỏa chạy qua thì tìm cách nhảy lên cho đỡ cuốc bộ. Đám học sinh không bao giờ có tiền để mua vé nên có nhảy được lên tàu thì cũng chỉ cam phận bu bám bên ngoài cửa tàu, trốn trong toa lét, nhân viên tàu rượt đuổi thì liều mạng trèo lên chạy tóa lọa trên nóc tàu.

Lần đó là một đêm nhờ nhờ trăng hạ tuần. Khỏang 2 giờ sáng thì tàu chạy ngang vùng gần trường, chúng tôi như thường lệ lại tìm cách nhảy xuống. Từng đứa đu theo tàu một đoạn rồi thả tay buông người. Khi đã tập trung đông đủ vẫn thấy thiếu Nhường. Gọi mãi không thấy, cứ tưởng Nhường quên không nhảy xuống tàu nên cả bọn kéo nhau ngược đường tìm đến bến sông. Giữa chừng, nhoáng thấy con gì lồm cồm bò giữa đường tàu, tưởng là chó hay heo bị tàu húc, ai ngờ là Nhường. Hắn bò lết giữa đường tàu với hai chân và một tay, tay còn lại ôm cả mớ ruột. Thì ra khi nhảy tàu, Nhường quay cái ba lô ra trước ngực cho khỏi vướng. Rủi trượt chân, chai dầu bể cắm sâu vào giữa bụng, ruột cứ thế phòi ra. Loay hoay mãi, chúng tôi mới kiếm được đò để đưa Nhường vào viện nhưng không kịp. Nhường đi trong một ngày rét đậm.
Nhường mất chưa lâu thì lại xảy chuyện. Ấy là trên chuyến tàu cuối tuần về nhà, cả bọn leo lên nóc tàu ngồi để tránh truy đuổi. Nhập nhoạng, tàu chạy ngang qua đoạn có một dây điện bắc ngang sa xuống lưng chừng, móc ngang cổ bốn năm đứa vứt xuống vệ đường, chết.

Phụ huynh nghe thế cấm hẵn chúng tôi không được nhảy tàu và phải tìm nhà trọ để dễ quản lý giờ giấc đi về. Xóm lều Nậm Chu tan hoang.

Hồ, nữ bí thư chi đoàn của lớp, xin gia đình cho tôi ở trọ. Đang bí, nghe thế, tôi mừng quá. Nhưng về ở thì gặp mấy chuyện khó xử. Nhà Hồ tới 10 người nhưng rất nghèo. Đến bữa nấu ăn, thường mẹ của Hồ chỉ dám đong một lon nhỏ gạo bỏ vào nấu cháo loãng trong cái nồi to như thúng. Cháo chín thì thái nhỏ vào đó hàng rổ rau lúc thì cải, lúc thì rau má, rau lang. Đến bữa, người lớn ăn phần trên chỉ toàn rau, trẻ con được ưu tiên phần dưới nồi luôn có gạo. Hết gạo thì đi hái trái cọ (dân Quảng bình gọi là tro) đem về hầm ăn. Món tro hầm khi đói ăn vào xót ruột như chà muối, ăn lần đầu thì ngon tuyệt nhưng từ lần thứ hai nghe mùi đã sợ. Để không ảnh hưởng đến tôi, mẹ của Hồ nhất định bắt phải nấu riêng cơm. Rủi đến bữa phải ăn cùng lúc với gia đình, dù đôi khi chỉ là khoai lang độn với tí ti gạo, lòng tôi cứ như bị muối xát. Dần dà, tan học là tôi lang thang đâu đó để tránh phải ăn chung bữa với ga đình. Hồ thì ngược lại, cứ ngồi đợi tôi về cùng ăn để dọn dẹp một thể.

Chuyện học cũng khiến tôi khó xử. Hồ học không giỏi lại chỉ quen 3-4 giờ sáng là dậy chong đèn học. Cả nhà chỉ có mỗi cây đèn dầu nên đêm đến tôi không dám giành, dù mẹ của Hồ cứ luôn nhắc nhở tôi phải học. Nhà ba gian thì chỉ có một gian ngăn hờ cho phụ nữ ngủ, gian còn lại thông suốt phòng khách, được gia đình để một cái giường đơn làm nơi cho tôi ngủ. Khuya, Hồ thắp đèn học, tôi nằm im trên giường nửa lơ mơ trong tiếng gõ lốc cốc của thuyền chài đuổi cá trên sông vọng về, nửa loáng thoáng nhẩm theo những “Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc” rồi “Hịch tướng sĩ”... mà “con ve” Hồ ra rả. Chỉ thế nhưng khi lên lớp, chữ nghĩa trong đầu Hồ hình như chảy hết còn tôi thì luôn đứng đầu lớp trong những môn xã hội. Hồ và tôi đều tránh nói về chuyện học.

Một năm sau, trường dời về gần nhà chúng tôi. Hồ và các bạn ở gần trường củ lại phải khăn gói đi tìm nơi trọ học. Trường về nơi ở mới thì có lệnh tổng động viên ra biên giới phía Bắc. Khí thế hừng hực khiến chúng tôi quên hết việc học, nháo nhào tìm cơ hội lên đường chiến đấu. Đêm, chúng tôi tụ tập ở trường đốt lửa trại, hát vang bài hát do thầy Tịnh dạy vật lý sáng tác: “Quân xâm lược bành trướng dã man/Đã giày xéo mảnh đất tiền phương/Những lứa đôi tạm biệt xa nhau/Mang theo máu và hoa Việt Nam/Xa mái trường/Hiến dâng cuộc đời/Vì non sông đất nước Việt Nam).

Nhàn, Cơ và một loạt đứa làm đơn tình nguyện sớm nhất và nhập ngũ ngay đợt đầu. Ngày giao quân, đứa nào cũng xúng xính trong quân phục mới, mặt nghênh nghênh đắc chí trước những đứa bị lọt ra đợt sau và những đôi mắt mọng nước của các nữ sinh. Bao nhiêu là hoa dâm bụt, hoa khoai ngắt vội bên vườn nhà được gắn quanh xe lính, giấu vội những mối tình ngu ngơ của tuổi học trò.

Cơ đi không lâu thì tin báo tử bay về. Rồi Dũng, Bình, Tấn... những “tay anh chị” Nậm Chu ngày nào cũng lần lượt báo tử. Chiến trường ác liệt là thế mà tịnh không một ai đào ngũ.

33 năm xa trường, đúng dịp Trung Quốc mang giàn khoan HD 981 ngang nhiên đặt vào vùng biển nước ta, nhân chuyến mang 1000 m tôn vận động được từ TP HCM để về lợp lại trường học giúp quê nhà sau lũ bão, tôi ghé lại Nậm Chu. Nậm Chu giờ xanh um những vườn cây ăn quả, vẫn u trầm như chứng nhân bất diệt. Dưới chân Nậm Chu lại có thêm một trường cấp 3 mới mở.

Đang giờ ra chơi, học sinh ùa ra thấp thoáng dưới tàng phượng vĩ. Lớp lớp hoa phượng rực đỏ tựa ngàn vạn ngọn lửa bừng lên trong khung trời mùa hạ. Quanh tôi như có hơi ấm của những đêm lửa trại, những đêm hát vang tiễn đồng môn ra trận. Gió tràn qua, hàng vạn cánh phượng chấp chới bay rồi nhẹ nhàng đậu xuống sông Gianh. Dòng sông vẫn thế, miệt mài chảy và nhẫn nại trầm tích trong lòng bao nhiêu kỷ niệm

Tác giả bài viết: Lương Duy Cường