Chạy lụt bão ở Lệ Sơn

Giới thiệu bài viết Chạy lụt bão ở Lệ Sơn của Bác sĩ Hoàng Minh Phương, thuộc thôn Đình Miệu, hiện công tác tại thành phố Vũng Tàu
Làng Lệ Sơn từ xưa đến nay năm nào cũng phải hứng chiu một vài cơn bão,lụt do thiên tai gây ra. Do vị trí địa lý và khí hậu khắc nghiệt của miền trung, con sông Gianh chảy ngoằn nghoèo mà lại bị hòn lèn Vụng chặn ngang giữa dòng, nên nếu mưa to ở thượng nguồn là ứ nước lại và dâng lên gây ngập lụt các làng như: Văn, Phù, Cảnh,Tiến,Châu, Mai trong đó làng Lệ Sơn (Văn Hóa) bị ngập sâu nhất vì đất vùng này thấp, cho nên cây cối hoa màu của cải nhân dân làm ra bị cuốn trôi và có khi mất trắng đói nghèo vì thế mà đeo đuổi LLS hết năm này qua năm khác, người dân chỉ biết than trời than đất thương cho số phận nghiệt ngã thiên nhiên không ưu đãi, mùa hạn đồng khô nứt nẻ tháng 5 tháng 6, mùa lụt bão tháng 8 tháng 9, mùa rét buốt xương tháng 11 tháng chạp. Tôi xa quê đã lâu nhưng cũng không quên cảnh dân làng chạy lụt bão nên muốn gợi lại cho con em LLS xa quê nhớ cảnh chạy bão lụt hồi còn nhỏ không biết bây giờ còn hay không ? Ngày xưa ông bà có câu:

Ông tha mà bà chẳng tha,
Mồng 5 tháng 8 mồng 3 tháng 10

 


Hình 1 - Nước lụt tràn vào Làng


Đó là cái lụt đầu và cái lụt cuối trong năm để con cháu biết mà tránh, vào những tháng 7, 8 âm lịch ở Lệ Sơn mà nghe Đài báo tin bão xa, bão gần, hay bão khẩn cấp, đi vào vĩ tuyến 18 Vĩ Độ bắc là con tim mọi người như thắt lại lắng tai nghe ngóng và loan tin cho nhau chẩn bị sẵn sàng phòng chống bão, lụt. Lúc đó trời càng ngày càng đen, mưa càng ngày càng to, gió mỗi lúc một mạnh dần lên, trống bắt đầu dục liên hồi ,các ông lãnh đạo đi báo tin để bà con chống bão, tụi trẻ như bọn tôi thì vô tư hơn ra ngòai Rào nghèo củi hoặc đi bắt cá nhưng đều bi gọi về để chuẩn bị đưa trâu bò đi trốn bão, tui nhớ là phải chuẩn bị một ít gạo khoai, sắn và một hai bộ áo quần dắt trâu bò xuống Hạ trang để trú bão, có người đưa trâu bò đi xong không về nhà kịp vì nước lên nhanh quá mà phải ở lại hoặc có khi bị nước cuốn trôi phải leo len ngọn cây chờ nước rút mới về nhà hoặc(bị chết đuối)* người lớn ở nhà  thì chạy ngược chạy xuôi chặt tre, chẻ lạt chuẩn bị đóng bè, dọn đồ đạc lên tra (gác gỗ) lâu lâu chạy ra ngoài Rào coi nước đến lộ mô rồi, sắp thâu hố chưa.

Bão vào gió rất lớn vặn đổ các cây cổ thụ lâu năm, các cây ngắn ngày thì bị gió thổi rạp xuống, nhà kêu răng rắc,tre xào xạc quanh nhà,khoảng vài tiếng đồng hồ mưa to gió lớn và nước sông bắt đầu dâng lên,trống dục liên hồi báo hiệu nguy hiểm sắp đến , dân làng đã chuẩn bị sẵn và dọn đồ lên tra hạ, tra thượng, cột chắc các vật dụng vào nơi an toàn, nước dâng lên cao có khi ngập cả mái nhà sợ đến khiếp, nước bạc rất lạnh khi đó làm gì mà rớt xuống cũng kêu lỏm bỏm, đêm đó nằm trên tra, sáng hôm sau mưa bắt đầu tạnh, ở trên tra  mọi người ló đầu ra gọi í ới hỏi thăm nhau nhìn nước ngập băng đồng, thỉnh thoảng có đoàn cán bộ cấp trên đi CANÔ hỏi thăm đồng bào bị bão lụt, và đem quà bánh, gạo ủng hộ, có lần CANÔ của 1 cán bộ bị mắc cạn ở bãi cát phải xuống đẩy nhưng có người lười nhác không xuống đẩy nên có câu ca dao rằng:

 

Đò quan mắc cạn giữa cồn,
Đứa mô không đẩy bú ...người ta


Hình 2 - Chị Cúc thôn Trung Làng, dỡ ngói lên để nhận hàng tiếp tế


Sau khi bão tan khoảng ba ngày nước rút để lại bao công việc bề bộn cho người dân, cây cối đổ ngã nghiêng ngập đường, phù sa, bùn lầy lội khắp nơi bẩn thỉu, dù vậy mọi người vẫn tươi cười vui vẻ chống gạây đi thăm hỏi nhau : " Nhà ông lút mấy mấc thang, có việc gì ko ? v..v  và chuẩn bị khắc phục hậu quả bão lụt, bọn trẻ chúng tôi nô đùa  bắt cá, thả lưới, hoặc ra RÀO nghèo củi rất mệt nhưng cũng thiệt là vui, khổ cực lắm nên ai cũng phải cố gắng cho con em mình học hành, đi thóat ly, ra ngoài xã hội làm công việc hành chính kiếm đồng lương sinh sống ở nơi đất khách quê người cho bớt nỗi cực khổ, theo tôi nghĩ chưa có số liệu cụ thể nhưng con số người ở làng quê Lệ Sơn hiện tại chắc chỉ bằng 1/10 số người ra đi thoát ly ở bên ngoài làng Lệ Sơn ./.

Tác giả bài viết: Hoàng Minh Phương