Những nét đẹp văn hóa độc đáo của Lệ Sơn xưa

Giới thiệu bài viết của tác giả Trần Hải Lộc, xóm Bàu Sỏi, hiện là Giảng viên Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng
Vừa rồi, trong chuyến đi công tác tại một tỉnh Tây nguyên, Hải Trần được học viên mời đến dự một lễ hội truyền thống của làng bản đầu năm.
Được chứng kiến những nét văn hóa truyền thống của dân bản, Hải Trần thoáng chút gợn buồn khi nhgĩ về quê hương Lệ sơn ta. Một đôi điều xin được viết ra trong một đêm trằn trọc.


Lệ Sơn mình là một vùng quê không chỉ đẹp và nổi tiếng nhờ những gì tạo hóa ban cho mà làng ta còn rất nhiều những cái đẹp hơn thế, đó là con người, là văn hóa truyền thống, là phong tục tập quán v.v.. Vậy mà giờ đây khi cả nước rầm rầm lễ hội, làng làng quanh năm lễ hội, trong khi làng mình không hề có lấy một ngày lễ hội. Đến cả những nét đẹp văn hóa độc đáo đậm chất văn hóa thôn quê cũng dần bị quên lãng.
Tôi vẫn còn rất nhớ, Lệ Sơn ta đã từng có những nét văn hóa thật đẹp,thật đặc trưng mà ít địa phương khác có được.

Trước tiên, đó là  phong trào “Hát nhà trò” của các bậc tiền bối. Những ngày Tết, Lễ nhất định không thể thiếu sân chơi nghệ thuật này. Có rất nhiều mệ nổi tiêng lĩnh vực này như mệ Lim, mệ Tý, mệ Thứ, mệ Quế, mệ Bình, mệ Lâm ở xóm Bàu, mệ Huề, mệ Tuệ, mệ Lưu ở Lê lợi v.v..Mà cái cách và lối hát Nhà trò ở quê mình khá độc đáo. Tất cả trải chiếu ngồi vòng tròn, nhạc cụ duy nhất chỉ một cái trống, các mệ, các o thì thay nhau hát còn các ông trung niên thì cầm chầu. Khi đã ngồi vào chiiéu rồi thì không ai có thể dứt ra được vì cái sự đam mê và quyến rũ của lối hát này (vì thế nên mới có câu:”Trên đời có bốn cái ngu: Làm mai, mua nợ, canh cu, cầm chầu).


 

Hát nhà trò (Ảnh minh hoạ)
 
Hồi đó vì còn nhỏ nên tôi chẳng hiểu gì lắm, nhưng mỗi lần các mệ hát là tụi con nít chúng tôi cũng ngồi xem say mê. Bây giờ nhớ lại, tôi nhận ra một điều là cách hát nhà trò ở ta có sự kết hợp rất hợp lí và tinh túy giữa lối hát của hai miền Bắc-Trung. Trong một bài hát có khi nó hoàn toàn giống điệu ca trù của ngoài Bắc, đôi khi lại pha chút Hầu văn của miền Trung (cách đây không lâu, trên LANGLÊSƠN chúng ta đã được thưởng thức giọng ca của mệ Lâm bài “Phụ tử tình thâm”, dù mệ hát không có trống chầu nhưng nếu đẻ ý thì chúng ta sẽ nhận ra điều đó). Tôi nghĩ đây làmột sự sáng tạo rất độc đáo !
 


Hò đối đáp (Ảnh minh hoạ)
 
Một nét đẹp văn hóa rất chân quê nữa mà gần như cũng đã tàn phai, đó là lối hò đối đáp. Những đêm gió mát trăng thanh, các nam nữ thanh niên kết thành từng nhóm rồi thi nhau hò đối đáp. Chỉ cần một giọng hò cât lên sẽ ngay lập tức có người hò đáp trả, mà có khi kéo dài đến tận khuya. Các cụ lớn tuổi thì ngồi chõng tre uống nước chè xanh lắng nghe và bình luận bên nào hay hơn hoặc bên nào sẽ thắng. Những câu hò được trích từ ca dao dân ca hoặc vừa sáng tác  để đối đáp với bên kia ( vì thế mới kết thành nhóm để có người hò, người sáng tác ). Ở Xuân tổng nổi tiếng hò hay có o Liên, o Tính ( nghe đâu, đêm đêm, o Tính ra bờ sông hò làm mấy anh ở bên Phù hóa, Cảnh hóa phải lội rào sang để xem mặt). Xóm Bàu thì có o Hồng ( con mệ Huê), anh Hòa ( con mệ Chủ), anh Thái (con mệ Thứ) Lê lợi thì có o Nuôi. Đó là những người nổi tiếng hò hay, còn thì nam nữ thanh niên lúc bấy giờ ai cũng hò được cả.
 

Thổi sáo trúc (Ảnh minh hoạ)
 
Còn một vẻ đẹp rất văn hóa, rất lãng mạn và cũng rất quyến rũ nữa đó là tiếng sáo trúc. Chà, đêm đêm, ngắm nhìn ánh trăng ngà lướt trên ngọn tre mà bỗng nghe tiếng sáo véo von thì phải nói là không có mộtthứ nghệ thuật hiện đại nào đẹp và lãng mạn hơn! Vì đam mê, tôi cũng đã từng tập thổi sáo nhưng không thành công cho lắm, cho nên đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ và hết sức kính nể tiếng sáo của anh Bình(con mệ Lưu), anh Khoa (con mệ Huê), anh Minh (con mệ Thông)…ở xóm Bàu và đặc biệt là tiếng sáo của thầy Châu dạy trường cấp 2 xã mình. Có lẽ đi suốt cuộc đời và dù ở chân trời góc bể nào thì không một ai có thể quên được quê mình khi mà hồn của quê đã thổi vào máu thịt.

Tôi day dứt, tại sao những nét đẹp đặc trưng và quý báu làm vậy mà chúng ta không giữ được và cũng không khôi phục lại được? Cả thế giới đang tìm lại, bảo tồn và phát triển vă hóa xưa của ta như Ca trù, Quan họ, Nhã nhạc cung đình, Văn hóa cồng chiêng, Hát xoan…Các vị lãnh đạo Đãng và Nhà nước ta cũng đang tìm mọi cách để đưa cả cộng đồng về với cội nguồn văn hóa truyền thống. Vậy mà quê mình lại quên đi răng mình đã từng rât đẹp, rất hấp dẫn từ những hoạt động văn hóa bình dị ?

Thay cho lời kết, tôi xin mạo muội ví rằng: người vợ giữ chồng bằng  tính nết, chồng giữ vợ bằng khí phách, cha mẹ giữ con cái bằng sự mẫu mực, còn quê hương giữ cội nguồn bằng những nét đẹp văn hóa đặc thù.

Tác giả bài viết: Hải Trần