Sức mạnh của báo chí sau bài viết "Phận thấp hơn bùn"

Bài phóng sự về sức mạnh của thông tin báo chí với cuộc sống người dân Lệ Sơn của tác giả Lê Hồng Vệ nhân chuyến về thăm quê ngày 24/7/2012
Lời dẫn: Phóng sự ngắn "Sức mạnh của báo chí sau bài viết Phận thấp hơn bùn" (bài viết Phận thấp hơn bùn tại đây) của tác giả Lê Hồng Vệ là hình ảnh sống động nhất về tính nhân văn, thể hiện sức mạnh truyền thông báo chí đối với cuộc sống đương đại của người dân Lệ Sơn. Câu chuyện về gia đình Chị Thảo ở xóm Phúc Tự, xã Văn Hóa nhờ sự góp sức của cộng đồng, sự chung tay che chở, đùm bọc của bà con đã tô điểm lại truyền thống tốt đẹp "Lá lành đùm lá rách" của quê hương ta. Trang báo hy vọng rằng, những hình ảnh đẹp đẽ này sẽ tiếp tục lan toả, nhân bản trên LLS.NET, để góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá tốt đẹp của Làng quê.


Trở về thăm quê hương lần này. Một mình rảo bước qua những ngõ trên, xóm dưới. Chợt thấy sự đổi mới đang len lỏi trên các cung đường, đến bờ ao thửa ruộng. Đâu đâu cũng rộn lên tiếng xe chở đất đổ cát, công trường nọ, công trình kia. Vậy là làng Lệ sơn đang chuyển mình để tiếp cận với cái mới. Nhiều gia đình đã được đền bù, đang tập trung xây dựng khang trang đẹp đẽ, để thay thế cho cái nhà cấp 4 bấy nhiêu đời. Bên cạnh sự thay đổi đó, còn nhiều gia cảnh của làng quê đang gồng mình với những éo le của số phận.
 

Trở lại, sau trận lụt lịch sử 2010 quét qua nhiều làng quê dọc bên đôi bờ sông Gianh. Nhiều cảnh đời, nhiều thân phận đã được nhắc đến. Cùng với sự nổ lực và nhiều tổ chức xã hội giúp sức. Đến nay một số gia đình dù đang còn nhiều cơ cực của hậu quả để lại, nhưng họ đã le lói niềm tin khi được chính quyền và bà con lối xóm quan tâm. Điển hình của câu chuyện là gia đình Chị Thảo thuộc xóm Phúc Tự, xã Văn Hóa, huyện Tuyên hóa, tỉnh Quảng bình.
 

 
Mới buổi sáng, mặt trời lên mới cây sào thôi mà nghe tiếng ve đinh tai nhức óc. Tôi tìm đến gia đình chị Thảo, nhân vật vật chính trong bài phóng sự “Phận thấp hơn bùn”. Đăng trên báo lao động ngày 11/10/2010 của tác giả Thanh Hải và Lê Phi. Tôi giật mình ngỡ ngàng khấp khởi khi trước mặt tôi là nhà mới của Chị.
 

 
Bởi gần hai năm trôi qua, tôi cứ suy nghĩ mãi trong lòng, không biết đến bao giờ gia đình Chị mới “ vượt qua bùn”. Đang ngắm nghía với bao suy nghĩ đan xen. Em Hùng đã đi chợ về với cái bánh tráng và 5 nghìn đồng chắt chắt trên tay. Em mời tôi vào nhà thăm chị Thảo, “Mẹ em mới bị tai nạn gãy ngang chân”. Tiếp tôi, Chị ngồi trên giường, khác với những lần tiếp khách hai năm về trước. Trên mặt Chị dù đau đớn khi di chuyển đôi chân, nhưng đã lóe lên nụ cười phấn khởi. Động viên Chị, tôi bảo: “Ai cũng thế thôi Chị ạ, làm việc lớn như xây nhà không tránh khỏi “bụi” đâu.  Để tự tin hơn khi nói chuyện, Chị dựa vào giường, nơi phía sau là bức tường taplo vững chắc mà cả cuộc đời Chị không bao giờ mơ tưởng đến.
 

Chị thong thả kể. Sau trận lụt đó, nhờ bài báo đăng tin. Bà con lối xóm động viên an ủi, chính quyền vào chăm lo hỗ trợ  mới có được như ngày hôm nay đó em ạ. Chị vay mượn ngân hàng chính sách được 8 triệu, 10 năm sau mới trả. Chính sách hộ nghèo cho Chị được 15 triệu 400 nghìn. Các nhà hảo tâm hỗ trợ, Chị mua đá, đúc taplo rồi xây lên, giờ ai cũng mừng nhưng còn hơn 100 triệu vay cho hai đứa đi đại học, một đứa cao đẳng và tiền xây nhà. Nói đến đây Chị nghẹn lại vì lo. Cháu Ngân đã ra trường có việc và xây dựng gia đình, cháu Hương mới tốt nghiệp chưa có việc, em Hùng còn hai năm nữa mới ra trường. Nay Chị đã kiệt sức.

Chị nay đang nằm ở nhà  điều trị, mắt Chị lại không nhìn rõ, không biết những gì đang đổi mới diễn ra xung quanh. Tôi đã kể cho Chị nghe để Chị có sức, có nghị lực và niềm vui hơn khi nghĩ đến mấy đứa con Chị, đang vì Mẹ khổ mà ngày đêm cố gắng. Căn nhà hai gian ngói đỏ, nền cao 1m50 với bà con ngày đêm thăm viếng đã thay đổi cuộc sống của Chị.

Dù căn nhà không tô trát, nhưng đã có những tấm ảnh to chụp những đứa con gái hân hoan bộ đồ cử nhân trong ngày lễ nhận bằng chói sáng cả khắp nhà. Tôi tự thấy; thế là Chị đã vượt qua, vượt qua số phận của một người đàn bà mắt mờ, ngày ngày đi đào rau má cho con ăn học. Chia tay Chị, ánh sáng sớm đã chiếu vào khe cửa hắt bóng cây vườn vào nhà. Giọt nước mắt hạnh phúc đã lăn trên đôi gò má nhăn nheo chấm dứt một quảng đời vất vả. Em Hùng tiễn tôi ra đứng ở góc vườn mắt nhìn về xa xăm với những nỗi niềm khó nói nên lời, vẫn góc máy ngày mà báo đăng: “ Phận thấp hơn bùn” của Hai Mẹ con ngày ấy.

 

 
Tôi lấy điện thoại bấm một kiểu để bà con LLS.NET chia vui cho gia đình Chị. Chia tay tôi, em Hùng đại diện cho gia đình gửi lời cám ơn tới nhà báo Lương Duy Cường đã kết nối, để các báo TW- Địa phương và các nhà hảo tâm trong mọi miền biết tới giúp đỡ gia đình. Cám ơn chính quyền và bà con lối xóm. Cám ơn báo làng đã kết nối để em có điều kiện nhập học. Thay mặt BBT LLS.NET cầu chúc cho em và gia đình luôn gặp nhiều may mắn, tiếp bước truyền thống học tập và vươn lên, để mai đây tiếp tục phát huy giá trị văn hóa người Việt nam“lá rách ít đùm lá rách nhiều"
                                                                                                                                     

Tác giả bài viết: Lê Hồng Vệ