Cần có phương pháp quản lý khai thác bãi cát ở Làng ta một cách khoa học, chặt chẽ hơn

Bài viết đóng góp các ý kiến trong việc khai thác khoáng sản cát ở Lệ Sơn
Lời tác giả: Qua đọc bài báo Nạn khai thác cát bừa bãi ở Lệ Sơn và những hệ lụy đau thương của tác giả Lê Hồng Vệ, tôi xin trích dẫn bài viết này đăng từ nguồn Bộ tài nguyên và môi trường nhằm giúp cho bộ máy chính quyền xã có thêm thông tin về cách làm của các địa phương khác đã làm và đang làm. Vậy thì xã ta phải làm đi để giữ kho báu cát mà thiên nhiên đã ban tặng cho Làng.

 Giải pháp bảo vệ là :

1/ Theo tôi báo Làng nên đăng bài anh Vệ lên Báo Quảng Bình và Bộ tài nguyên môi trường để các cơ quan chức năng vào cuộc.

2/ Chính quyền xã phải cử người bảo vệ không cho khai thác bừa bãi, ranh giới lấy tim của dòng Sông Gianh.

3/ Lên kế hoạch quản lý khai thác một cách hiệu quả

(Trích dẫn bài báo của Bộ tài nguyên môi trường)

Những năm gần đây, tình trạng khai thác, kinh doanh và xuất khẩu cát lộn xộn đã đến mức báo động. Mặc dù, Chính phủ đã chủ trương cấm khai thác và xuất khẩu cát tràn lan, các địa phương cũng đã tiến hành siết chặt quản lý, các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã cảnh báo nhiều, nhưng tình trạng vẫn không mấy cải thiện. Sau hàng loạt địa phương từ đồng bằng sông Cửu Long, đến miền Trung, miền Bắc, gần đây tình trạng khai thác kinh doanh cát ở Quảng Châu, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và gây hiểm họa đối với các tuyến đê Trung ương, đê cấp tỉnh, khiến công luận đặc biệt lo ngại.

 

Dù không được các cơ quan chức năng cấp phép, những ông chủ kinh doanh cát vẫn ngang nhiên hoạt động. Ngày ngày hàng đoàn xe tải, xe công nông vào ra như mắc cửi chở cát xây dựng từ các bãi tập kết cát ở thôn Châu Giang, xã Quảng Châu phân phối đi các nơi. Xe chở cát không được che đậy, gây bụi mịt mù, che khuất tầm nhìn trên tuyến đường dài khoảng 1,5km chạy trên đê; trong đó 700m đê cấp tỉnh chạy dọc theo sông Thống Nhất và 800m đê cấp Trung ương chạy dọc theo con sông Phả. Người đi đường phải trùm khăn, đeo kính, bịt khẩu trang vẫn không thể tránh được bụi bặm. Toàn bộ cây cối, nhà dân dọc theo ven đê đều bị phủ một lớp bụi trắng xóa, dày cộm. Người dân trong khu vực ngày ngày không dám mở cửa vì môi trường đã bị bụi, bị ô nhiễm nặng. Các đoàn xe chở cát quá trọng tải đã cày thành rãnh sâu, đào ổ gà, ổ voi phá nát thân đê.

Những "núi cát" khổng lồ choám hàng trăm mét vuông diện tích đê, cao hơn mặt đê, nối nhau chiếm lĩnh mặt đê. Từng đoàn ôtô tải cũng nối đuôi nhau ra vào tấp nập "ăn cát". Cả con đê như một đại công trường. Ấy vậy mà, dưới lòng sông Mã, thuyền chở cát vẫn ngang nhiên bắt vòi tiếp tục phun cát lên thân đê, bất chấp hàng loạt tấm biển "Cấm neo đậu tàu thuyền và tập kết vật liệu xây dựng" dựng ngay trên đê.
Được biết những bãi cát trái phép này hoạt động từ năm 2000. Mỗi ngày hàng trăm xe tải vào chở cát gây ô nhiễm và hư hỏng đê điều, đường giao thông. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã kiểm tra, yêu cầu xã giải tỏa, nhưng dẹp được một thời gian, đâu lại vào đó, chủ các bãi cát vẫn không chấp hành chủ trương của địa phương!

Chi cục Quản lý đê điều và phòng, chống bão lụt cũng đã cử cán bộ xuống lập biên bản vi phạm đối với các hộ lập bãi và kinh doanh cát trái phép, xâm phạm hành lang bảo vệ đê sông Mã. Chi cục cũng đã yêu cầu UBND xã Quảng Châu giải tỏa, chấm dứt việc kinh doanh cát của các hộ dân nêu trên. Nếu chính quyền xã Quảng Châu không thực hiện, sẽ giao cho UBND huyện Quảng Xương cưỡng chế.

Hy vọng, với sự vào cuộc của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, tình hình khai thác, kinh doanh cát trái phép ở Quảng Xương sẽ sớm được chấm dứt, đảm bảo đê điều và môi trường sống cho dân cư khu vực. Rộng hơn, việc khai thác, kinh doanh cát trái phép sẽ được giải quyết triệt để trong tất cả các địa phương của cả nước.

Tác giả bài viết: Lê Hồng Tâm