Vui vì gặp lại Làng Lệ Sơn xưa ở Bình Phước

Tường thuật một chuyến về thăm bà con Lệ Sơn ở Binh Phước của nhà báo Lương Thị Bích Ngọc
Bài viết cùng tác giả đã đăng:
1.Dạ thưa ! Cháu nghèo nhưng không ăn cắp đâu ạ


Vui vì gặp lại Làng Lệ Sơn xưa ở Bình Phước

Tình cờ đi dự Hội đồng hương Lệ Sơn ở TP.HCM và vùng phụ cận, tôi gặp cụ (cậu) cu Điền. Tên thật của cậu là cậu Lưu, nguyên là chủ tịch xã Văn hóa những năm 70 nhưng từ khi còn nhỏ tôi hay gọi là “cụ cu Điền”.

Hồi nhỏ, về hè, mỗi lần về mệ ngoại tôi hay vào nhà cậu mự chơi. Mự nói chuyện hay, cởi mở và giản di, mự lại hay cho tôi ăn khoai luộc (thực ra có gì cho ăn nấy). Nhà cậu mự có 8 người con nhưng tôi có thân quen hai người là anh Điền (làm ở Đồng Lê) và em Vân (Vân là bạn bán mít ở ga Lệ Sơn của tôi trong mỗi dịp hè). Tôi vẫn nhớ như in nhà cậu mự ở chỗ gần cổng chào, gần giếng Lê Lợi...

Hôm đó họp đồng hương vui lắm. Mọi người nhắc chuyện xưa. Tôi thấy rưng rưng khi gặp lại cậu Điền, người nhớ rõ bà ngoại, mẹ, cậu Tài...của chúng tôi. Mấy chục năm rồi, cậu vẫn nhớ tên tôi và nói là: “Cậu là bạn bộ đội của ba mi...). Vui chuyện và để biết về cái làng Lệ Sơn ở xứ Bù Đốp, tôi và chồng chở cậu và Tâm (con gái cậu) về Lộc Ninh - nơi mà nhiều nhiều dân Lệ Sơn từ 30 năm trước đã vào đó tìm kế sinh nhai.

Ui cha là vui khi gặp lại không khí Lệ Sơn ở nơi xa xôi của miền Đông Nam bộ. Mự Điền đã già rồi nhưng vẫn mặn nồng vui chuyện. Nghe nói chúng tôi lên, mự đi chặt chuối, bắt gà, hái chè để sẵn, cả nồi khoai luộc nữa. Cả nhà cậu 8 người con thì có tới 7 người con quây quần ở xã Lộc Điền, chỉ có anh Điền vẫn ở Đồng Lê. Cả dâu, rể và cháu ngót nghét 40 người cùng ở trên một trục đường. Các con đều có nhà cửa, công ăn việc làm Nhà nước đàng hoàng, lại có nương rẫy, hàng tháng biếu ít tiền cho ba mạ. Nhưng điều làm ông bà vui nhất là ngày nghỉ, lễ các cháu con sum vầy. “Nấu ba nồi cơm không đủ xới” - mự nói vậy.  Chao ui, làng Lệ Sơn nhà mình giờ nhà nào cũng tản mác, mấy ai có bữa cơm sum vầy vậy chứ. Ngó bữa cơm nhà cậu mự, có nồi cháo bánh canh, thấy cái Tâm đếm người, đếm bát, rồi múc mỏi cả tay, mự ngồi cười cười thỉnh thoảng lại quay qua tìm cháu nọ, cháu kia, mắt tôi thấy cay cay. Ba mạ tôi cùng lứa với cậu mự, nhưng chị em tôi không bao giờ có cơ hội sum vầy trong một không gian như vậy nữa cả. (Cũng có nhiều khi tôi nghe ai đó nói: “Giá mạ hắn còn sống”, tôi thấy sáo sáo sao đó. Nhưng, giờ tôi lại nghĩ: Giá mạ mình còn sống...).

Vui nữa là trong các con dâu của cậu mự có em Hồng con cậu Dục và mự Mén, họ hàng bên mạ tôi. (Tôi sẽ có bài riêng về cái quán cơm ở ga Lệ Sơn và mợ Mén hay cho tôi ăn cơm khi chờ tàu). Người Lệ Sơn ai mà không biết quán cơm mự Mén ở ga Lệ Sơn. Nhất là những ngày giá rét, tàu chậm, bát cơm nóng hổi không mất tiền của mự đối với tôi thật là khó quên. Giờ mự đã là người thiên cổ, cậu Dục thì đau ốm một mình ở quê. Em Hồng con gái lớn của cậu mự giờ thành con dâu cậu mự cu Điền. Gặp em bất ngờ ở Làng Lệ Sơn ở Bình Phước, tôi vừa mừng vừa ngơ ngác. Thời gian trôi nhanh quá. Tôi cứ cảm giác như là mình có đứa em gái ruột đi lấy chồng ở Lộc Ninh vậy, để thỉnh thoảng về thăm em, mắng em vài câu, rồi nhìn em tất cả gói tiêu, gói điều, bắt gà, chặt chuối cho chị đem về... Hồng ơi, giữa dòng người xuôi ngược này, bàn tay tất tưởi, gói ghém của em khiến chị thấy mình đủ đầy và ấm áp thêm biết mấy.

Có một chị bạn ở Sài gòn hỏi tôi: Ủa, sao em thích đi Bình Phước vậy? Làm ăn gì trên đó à? Ở Sài gòn, thứ 7, Chủ nhật, thay vì đi Cafe, tiệc tùng, mua sắm, đánh xe về Bình Phước, thăm cậu mự, thăm các em, xong rồi nhắc lại chuyện Lệ Sơn cứ thấy lòng vui lâng lâng...Nồi khoai luộc, ấm chè xanh, buồng chuối chặt sẵn, con gà nhốt sẵn “cho con Ngọc lên hắn đem về Sài gòn” (mự cứ nói vậy)như là quá khứ hiện hữu. Tình Lệ Sơn ở nơi đây - Lộc Ninh vẫn còn nguyên vẹn!

Trên đường về, ghé qua Đồng Xoài, vô nhà Thái - con chú Quảng. Mấy anh chị em nhà chú Quảng cũng là một kỳ tích về tinh thần chịu khó, vươn lên. Thái giờ làm ở tỉnh ủy Bình Phước. Lại nói chuyện Lệ Sơn, chuyện đời mình. Thái cũng tự kiếm cái ăn để học từ thủa cấp 2 đến Đại học. Rồi tự kiếm đường vô Bình Phước lập nghiệp. Tự lực cánh sinh vươn lên chứ không “nhờ ai nâng đỡ” cả. Có lẽ vì thế mà chị em tôi dễ nói chuyên, dễ hiểu nhau. . Thái đưa tui cả mấy chục tấm ảnh chụp từ chục năm trước nói là tặng langleson.net.

Vui nhất là gặp Thơ, cô giáo dạy Sử ở trường chuyên của Bình Phước. Trò chuyện với  cô giáoThơ yêu nghề, nhiệt huyết với nghề khiến tôi thấy hình như mình đang được tiếp sức. Và nữa, ở Thơ hiện hữu sự rắn rỏi, đàng hoàng của kiểu con gái Lệ Sơn truyền thống - kiểu của người phụ nữ có thể khiến ai  gặp đều thấy có thể tin cậy; kiểu người mà gặp bất kỳ khó khăn nào trên đường đời cũng có thể vượt qua...

Người Lệ Sơn mình xa xứ nhiều. Điều đáng quý là tâm hồn, bản lĩnh Lệ Sơn lại nhờ những đợt tha hương mà được lưu giữ. Hòa đồng mà không hòa tan là vậy. Và “con tim đã vui trở lại” khi tôi gặp được “Làng Lệ Sơn xưa” trên những nẻo đường đất nước, trong đó có Bình Phước!
Gần Tết rồi, xin “khoe” để chia vui với bà con mình!


Một số hình ảnh ghi lại cuộc sống của bà con Lệ Sơn tại Bình Phước







Tác giả bài viết: Lương Thị Bích Ngọc