Ước mong của một người Mẹ Lệ Sơn

Bài viết về Mẹ Lương Thị Liêm
Tác phẩm số: 06, hưởng ứng viết về chủ đề Thắp nến tri ân cho ngày kỷ niệm 27/7/2012
Tác giả gửi đề cử: Quang Vinh


Lời Ban biên tập: Ngay sau khi chuyên trang ra đời, nhiều thành viên có kiến nghị đăng lại bài viết về Mẹ Liêm, bởi câu chuyện bi thương về cuộc đời Mẹ làm lay động trái tim và lương tri những người con hiếu đạo. Anh Lưu Quang Vinh, hiện là phó Tổng giám đốc tập đoàn Trường Thịnh, Quảng Bình trong một lần trò chuyện đã kể về Mẹ Liêm - Lệ Sơn và nhắc nhở nên đưa bài viết này lên để giới thiệu cho đông đảo bà con Lệ Sơn được biết. Ban biên tập chuyên trang hy vọng, các cơ quan chức năng, các tổ chức có trách nhiệm sẽ sớm trả lại Mẹ nụ cười, để cuối cuộc đời Mẹ an lòng rời xa cõi tạm, bình an trong thế giới hư vô đã lắng đọng vô vàn vết thương lòng của Mẹ.

Đôi nét về Mẹ
Tên
Lương Thị Liêm - Con Ông Nghè Mợi - Lệ Sơn, 96 tuổi
Hiện ở với đứa con gái duy nhất là Trần Thị Hiền, giáo viên cấp 2 đã nghỉ hưu
Số điện thoại chị Trần Thị Hiền: 01693406273
Nơi cư trú: Thành phố Đồng Hới


 

Mẹ Lương Thị Liêm và con gái
 
Mẹ Lương Thị Liêm quê ở Làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa- Quảng Bình. Mẹ năm nay đã 95 tuổi, nhưng dáng người và khuôn mặt vẫn còn mang dáng dấp của một thời hoa khôi thuở còn xuân. Mẹ lớn lên trong một gia đình Nho giáo được ông bà cho học trường làng, trường huyện đến nơi đến chốn. Nghe các  già làng kể: Khi đang còn nữ sinh trường huyện  mẹ vừa đẹp người, đẹp nết, mẹ có mái tóc dài chấm gót, nước da trắng, khuôn mặt tươi xinh.  Thời đó mẹ có nhiều chàng trai để ý, thế mà mẹ lại phải lòng một thầy giáo cùng tuổi, tên là Trần Hữu Bính quê ở xã Phong Hóa, làng bên. Mẹ yêu thầy chỉ vì thấy thầy sớm hiểu biết về tình hình đất nước, thầy tuyên truyền cách mạng cho học trò và quần chúng nhân dân.


Thầy giáo Trần Hữu Bính cũng sinh ra và lớn lên trong một gia đình Nho giáo, cha thầy là ông Trần Hữu Huy, thường gọi là ông Cửu, một nhà Nho, học rộng uyên thâm, ngưỡng mộ trung quân ái quốc, là một nhà chí sĩ yêu nước. Ông Cữu theo ông Đề Đốc Lê Trực phò Vua đánh Pháp trong phong trào Cần Vương.


Hai vợ chồng Thầy Bính, cô Liêm là một cặp trai tài gái sắc. Sớm biết đất nước bị lũ Tây xâm lược, chỉ có làm cách mạng, mới giải phóng được quê hương. Mẹ đã cùng chồng, tuyên truyền giác ngộ cho mọi người biết vì sao chúng ta đói khổ, kẻ thù chúng ta là ai ?... Từ đó ngôi nhà của vợ chồng mẹ là nơi lui tới, đàm đạo họp hành, của các cán bộ trong vùng, trên huyện, trên tỉnh về hoạt động bí mật. Mặc dù bận rộn việc nhà chồng, chăm sóc con dại, nhưng mẹ vẫn tích cực làm thông tin liên lạc, nuôi dấu cán bộ, tạo điều kiện cho chồng, làm thủ lĩnh thanh niên huyện Tuyên Hóa,  tham gia cướp chính quyền và được vào Đảng sau ngày cách mạng tháng 8 năm 1945. Mẹ rất phấn khởi khi thấy chồng  tham gia công tác ở huyện, làm ủy viên thư ký,  kiêm Văn hóa xã hội, của ủy ban hành chính kháng chiến huyện Tuyên Hóa.

 
Hòa bình trên quê hương chưa được bao lâu, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta. Chồng mẹ phải xa nhà đi theo kháng chiến, ông nguyên là trưởng phòng hành chính của ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh Quảng Bình. Khi mẹ sinh đứa con thứ 2, thương mẹ một mình nuôi 2 con thơ dại, cấp trên bố trí ông về làm huyện ủy viên huyện Tuyên Hóa, bí thư đảng ủy xã Đức Hóa ( gồm Phong Hóa, Đức Hóa, Thạch Hóa) từ 1950 đến 1955. Về ông tác gần nhà, mặc dù vất vả khó khăn nhưng mẹ vẫn tạo điều kiện giúp chồng hoàn thành công việc cách mạng phân công. 
Sang năm 1956, các đoàn, đội cải cách ruộng đất triển khai thực  hiện khắp toàn tỉnh. Do sai lầm trong việc thực hiện chủ trương cải cách ruộng đất của các đoàn, đội cải cách bị sai lệch. Nên hàng trăm đảng viên bị quy là địa chủ, là quốc dân Đảng, và nhiều người đã bị xử bắn trong đó có đồng chí bí thư đảng ủy xã Đức Hóa  Trần Hữu Bính.

 
 Nỗi đau đớn bất ngờ ập xuống gia đình mẹ con bà Lương Thị Liêm, khi có chủ trương sửa sai thì sự đã rồi. Cảnh mẹ góa con côi, lại vất vả đói khổ, nên mẹ con lầm lũi rau cháo qua ngày. Một thời gian đứa con gái đầu, khôn lớn trưởng thành, có công việc ở sở thủy sản Quảng Bình rồi vào Thừa thiên Huế. Mẹ đau buồn bỏ làng theo con vào Huế sinh sống, mong vơi dần nỗi đớn đau, oan ức. Thương mẹ côi cút một mình, đứa con đầu Trần Thị Thiện không lấy chồng ở vậy an ủi mẹ khi trở trời hơi gió. Thương mẹ, thương cha, thương mình  biết cùng ai san sẻ,  chị lâm bệnh nặng rồi qua đời.  Một lần nữa mẹ lại phải chịu cảnh chia li, mất mát, mẹ đau buồn tưởng không thể nào vượt qua được. Thế nhưng nghị lực của  con người Lệ Sơn, được luyện rèn một nắng hai sương trên ruộng đồng,  gian truân vất vả;  nghị lực của người phụ nữ thờ chồng nuôi con rắn rỏi kiên cường đi qua 2 cuộc chiến.

   Cuối đời mẹ nương nhờ vào vợ chồng đứa con gái út, cũng  không mấy may mắn. Càng Nghĩ mẹ càng thương con,  thương chồng. Cùng bị quy sai và chịu tù tội với cha dạo đó,  còn có 2 đảng viên nữa: một người trốn thoát ra ngoài, sau này ra công tác tại bộ giáo dục; một người nữa bị bắn như chồng mình,  nhưng có người làm thủ tục nên được công nhận là liệt sĩ;  con cái họ bây giờ thành đạt, có chức có quyền; còn mình, con mình thì mãi mãi thiệt thòi…

 
Bây giờ bước qua tuổi 95 rồi, cái tuổi gần đất xa trời, mẹ vẫn đau đáu một khát khao, dù là vô vọng; đó là giải nổi oan cho chồng, để cho ông Trần Hữu Bính được thảnh thơi,  ngậm cười nơi chín suối. Để ai đó biết được rằng chồng mẹ, cha của 2 đứa con gái gần 20 năm theo cách mạng, là cán bộ tiền khởi, là Đảng viên năm 1946, là huyện ủy viên, là bí thư đảng bộ xã Đức Hóa trong những năm bền gan đánh Pháp. Chỉ vậy thôi là mẹ an lòng về với chồng, với con gái đầu nơi cõi vĩnh hằng.

 Mẹ Lương Thị Liêm, người con Lệ Sơn,  một thời hoa khôi,  mà đờì chưa mỉm cười với Mẹ !

Tác giả bài viết: Cảnh Giang