Phóng sự Nạn khai thác cát bừa bãi ở Lệ Sơn và những hệ lụy đau thương

Giới thiệu phóng sự của tác giả Lê Hồng Vệ về hiện tượng khai thác cát tràn lan ở bãi cát Lệ Sơn
Người dân làng Lệ Sơn bao đời nay vẫn sống với con sông Gianh ôm ấp chảy quanh làng. Con sông đã mang lại những giá trị vật chất lẫn tinh thần cho các thế hệ cư dân xã Văn hóa, huyện Tuyên hóa, tỉnh Quảng bình . Sông đã cho Làng tất cả hạnh phúc lẫn nghiệt ngã, dòng sông khi thì hiền hòa êm dịu vỗ về, khi thì cuộn sóng ngang tàng xói lở. Mấy năm trước khi làng Châu hóa xây đắp bờ kè, cũng chính là lúc dòng sông đã chuyển hướng dòng chảy, xói sâu vào làng và nguy cơ của một làng quê bị xóa sổ; (Đã có bài báo phản ánh về hiện tượng này, tại đây). Để bảo vệ cho tuyến đường sắt huyết mạch Bắc Nam. Nhiều phóng sự của TW - địa phương đã lên tiếng, thế rồi bờ kè dài hơn 2km của làng Lệ Sơn đã chắn lại con sông hung dữ, nhưng phải nhường lại cho con sông 2/3 diện tích đất canh tác phía đầu làng.
Có được bờ kè rồi, những tưởng dân làng Lệ Sơn lại yên ổn tăng gia sản xuất. Mấy năm gần đây, nhà nước đã tạo hướng mở cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Vô hình chung đã tạo tiền đề và kẻ hở, để cho các tàu thuyền, doanh nghiệp, tư nhân thi nhau khai thác. Có lẽ lúc này đây, ai đó về quê cũng đều nghe được sự hoang mang của bà con lối xóm. Trên mặt đất, khói bụi bắt đầu bám trên lá cây vườn nhà cửa, hệ quả  sự đổi mới của các công trường nghiền đá, của ống khói nhà máy xi măng thổi "làn gió mới" đang về. Mọi việc đã vượt ngoài tầm kiểm soát
Dưới lòng sông tiếng phành phạch của máy nổ ngày đêm hút cát. Phía trên đầu,tiếng mìn nổ đinh tai nhức óc,những hình ảnh và âm thanh đó lặp đi lặp lại hàng giờ, hàng ngày. Ôi Nghe sao mà đau đớn. Làng quê nhỏ bé đã không còn yên bình nữa. Mỗi năm lại có người chết đuối oan nghiệt dưới những hố cát bị hút sâu 5- 7m một cách tức tưởi. Đau đớn có những đứa cháu về thăm ngoại để vào đại học, chỉ một bước chân sa sẩy, đã mãi mãi không ngoi lên khỏi mặt nước trong tiếng gào khóc xé gan của người trên bờ. Những đứa trẻ theo Mẹ ra giặt giũ cũng bị tụt chân, cả xóm lặn tìm cũng chỉ cứu được đứa em nhỏ
Những nét mặt lo lắng lẫn căm phẫn của những “người dân thấp cổ bé họng” luôn thường trực, bọn cát tặc thì ngang nhiên lộng hành. Mong mỏi Chính quyền địa phương đừng đứng ngoài cuộc, để danh sách con em xã Văn hóa giảm đi, những cái chết đau lòng đang  ngày một dài thêm. Người làng Lệ sơn còn bảo, đi trên bờ kè, có đoạn phía dưới đã sâu vào như hang ếch. Rồi cái kè bê tông kiên cố kia có đủ sức chịu đựng bảo vệ làng, bảo vệ tuyến huyết mạch Bắc Nam, khi mỗi ngày có hàng chục thuyền to, thuyền nhỏ thi nhau hút cát cách bờ có vài mét, tạo nên sự biến cố ngầm của dòng chảy tự nhiên. Liệu rồi con em Lệ sơn có còn, có ký ức lấy dòng sông để tự do vẫy vùng tắm mát, khi mỗi hè về nóng bức, mà vẫn luôn tự hào về một con sông quê yêu dấu.
 
Liệu rồi con cháu xa quê hương có còn cảm giác an lành để hoài niệm rằng: “ Qua một đời phiêu dạt, con lại về úp mặt vào sông quê”. Hay về quê chỉ thường trực cảnh giác khi độ an toàn của con sông không còn nữa, đi tắm phải có người lớn kèm cặp không rời mắt

 
Để rộng đường cho dư luận lên tiếng ngăn chặn nạn cát tặc này. Trong bài viết sử dụng những hình ảnh nóng mà mọi người dân Lệ Sơn gửi gắm những lo âu "lại một mùa hè đang về", và một  tương lai của con cháu họ không biết rồi sẽ ra sao. Trong buổi chiều vàng khi mặt trời sắp lặn qua dãy 99 chóp lèn, vốn một thời uy nghi trong danh sử. Đi dọc ven bờ cát, lòng tôi  có nhiều cảm giác se sắt và không khỏi lo âu cho số phận của một địa danh làng xã. Lo cho thế hệ con trẻ mai đây về quê sơ sẩy, không dám lấy sông để làm ký ức cho mình.

 
             Tất cả…tất cả lặng buồn khi làng quê mờ dần sau bóng chiều hoàng hôn sắp tắt.
                                                                                                                    Văn hóa ngày 25/7/2012

Tác giả bài viết: Lê Hồng Vệ