Giải phóng mặt bằng chậm tiến độ và tiếng nói của Lệ Kiều

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Trọng Hoàng xung quanh chủ đề giải phóng mặt bằng chậm tiến độ nhằm phục vụ cho các công trình trọng điểm trên địa bàn Lệ Sơn và phản hồi bài viết cùng chủ đề của tác giả Lương Duy Toản.
Bài viết liên quan đã đăng:
1. Bài học về giải phóng mặt bằng ở một công trình trọng điểm trên địa bàn xã Văn Hóa
2. Yêu sách của dân và miệng lưỡi của Quan.



Giải phóng mặt bằng chậm tiến độ và tiếng nói của Lệ Kiều
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phản ánh quan điểm của Ban biên tập)

Liên tục từ đầu năm đến cuối năm, trang tin LLS.NET thông tin rất nhiều về cây cầu bắc qua Sông Gianh, phải nói bà con Lệ Kiều mong mỏi ngày đêm cây cầu sớm hoàn thành để thảo ước nguyện có cầu bấy lâu nay của cư dân Lệ Sơn vốn bị cô lập về mặt giao thông, làm cản trở hoạt động phát triển kinh tế. Phải nói dự án làm cầu, làm đường ở làng ta triển khai nhanh, nguồn vốn đầu tư về nhiều, không nói ai cũng biết thế và lực Lệ Sơn đang rất mạnh. Tuy nhiên điều đáng buồn là bản tin nào cũng thấy 1 phần cây cầu ở phía Lệ Sơn thi công mãi không xong, có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó do khâu giải phóng mặt bằng chậm.

Bài báo của phóng viên Văn Hoàng đăng trên báo Quảng Bình làm bùng nổ 1 cuộc tranh luận sôi nổi, trong đó bạn Lương Duy Toản giật một cái tít khá kêu làm nóng lên chủ đề  Để tham gia bình luận tôi gửi tới báo làng một số góc nhìn khác nhằm giảm độ nóng và để bạn đọc có cái nhìn công tâm hơn trong một vấn đề khó khăn và phức tạp hiện nay.

1) Góc nhìn từ lịch sử văn hóa làng
Văn hóa làng Lệ Sơn hình thành từ bao đời nay là văn hóa thuần nông với tập quán định canh định cư khởi nguồn từ 8 dòng họ lớn gây dựng lên cộng đồng làng. Sự đùm bọc, che chở, cưu mang và tình làng nghĩa xóm thì không một nơi nào bằng. Sự đoàn kết này được lý giải do địa thế khó khăn, quanh năm lũ lụt và hạn hán mất mùa thường xuyên nên tính cộng đồng của bà con ta rất cao.

Trong những năm gần đây, với sự mở cửa và cơ chế thị trường thông thoáng, nhiều truyền thống tốt đẹp dần dần mai một, bát nước chè xanh ấm tình dân được thay bằng két bia Huda, giá trị của đồng tiền được tôn vinh và nền học vấn với sự đổ đạt của con em Lệ Sơn ngày càng ít đi. Văn hóa thấp thì tầm nhìn ngắn và vì thế chúng ta không thể không ký giải căn nguyên của mọi vấn đề từ góc nhìn văn hóa.

2) Góc nhìn từ nhãn quan và tư duy cục bộ
Làng ta có rất nhiều tật xấu, nhưng tật xấu điển hình là cái gì cũng thích làm tốt cho mình còn người khác thì mặc. Một khi đã nhìn vấn đề 1 chiều thì không bao giờ có sự hài hòa và mang tính đại chúng. Sự ghen tỵ và độ kị lẫn nhau vẫn diễn ra âm thầm và kịch liệt trong mọi ngõ ngách của đời sống. Chính vì thế rất dễ hiểu khi bên A được đền bù cao hơn bên B sẽ phản ứng gay gắt. Người Lệ Sơn vốn công minh chính trực, khi thấy có sự bất bình, không rõ ràng là tỏ thái độ ngay. Có lẽ vì thế mà ít người Lệ Sơn được làm quan to bằng tài năng của mình do tính cách này.

3) Công bộc của dân và năng lực lãnh đạo
Sự chậm trễ về giải phóng mặt bằng là hệ quả của chính sách và thông tin không nhất quán. Năng lực cán bộ địa phương lại có hạn, sự điều hành lỏng lẻo dẫn đến sự bất lực trong công việc là điều dễ hiểu. Dân Lệ Kiều thì vẫn mong chờ giữa chính quyền và người dân có tiếng nói chung, chính quyền làm việc hết sức mình vì quyền lợi của người dân và quyền lợi ấy được bảo đảm. Lệ Kiều không muốn lực lượng cưỡng chế áp đặt và đẩy người dân vào thế chống đối, âu cũng là mong muốn chung của con em Lệ Sơn xa quê.


Bài báo của tác giả Văn Hoàng dù đăng ở báo nào cũng bình đẳng như nhau, chỉ có sự thật mới chứng minh đúng giá trị của bài báo và chỉ có quyền lợi của người dân được đặt lên trên hết thì tính nhân văn của bài báo mới được đề cao. Quan và Dân vẫn luôn là hai khái niệm đầy mâu thuẫn và cần được xích lại gần hơn trong mọi bài viết. Quan thời nay và dân thời nay là chủ thể của một xã hội vì thế không dễ gì kết luận được một khi ngòi bút đó đứng về phía mình.

Tác giả bài viết: Trọng Hoàng