Những bài thơ trong cuốn nhật ký của cố Đại tá Lê Cương

Những bài thơ trong cuốn nhật ký của cố Đại tá Lê Cương, nguyên là tư lệnh binh chủng hoá học Quân đội nhân dân Việt Nam. Tư liệu do anh Lê Ngọc Tĩnh, con trai cố Đại tá cung cấp.

Đại tá Lê Cương
Nguyên là tư lệnh binh chủng hoá học

Lời dẫn của anh Lê Ngọc Tĩnh (con trai cố Đại tá Lê Cương)

Người lính đâu chỉ biết  súng đạn và đánh nhau / Mỗi lời nói phải đâu toàn mệnh lệnh.
          Thế nhưng mấy ai hiểu hết được tâm sự của những người trước khi xông pha trận mạc, họ cũng từng cầm viết, cầm cày, cuốc như những người đàn ông bên những luỹ tre làng. Trong thế hệ đó, có một người lính trải qua các cuộc chiến tranh, đánh Pháp rồi đánh Mỹ, biên giới Tây-Nam, biên giới phía Bắc. Cả cuộc đời binh nghiệp vào sinh ra tử,  cho đến tuổi già, khước từ những ưu ái và vật chất xa hoa, phù phiếm, trở về xứ Lệ, sống một cuộc sống bình dị với ruộng vườn; nơi mà người cha đã thay con, người vợ thay chồng, lo toan việc đồng áng để 4 đứa con trai yên tâm chiến đấu, góp phần cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Con người bình dị đó trải qua 40 năm quân ngũ đã được Nhà nước ta tặng thưởng không biết bao nhiêu Huân-Huy chương, còn có cả Huân chương của chính phủ CamPuChia nữa. Khi trở về quê, sống một cuộc sống giản dị, không khác gì một lão nông  thực sự. Giữa cuộc sống bộn bề, biết bao nỗi lo toan vất vả, hết đánh giặc trở về quê hương đáng lẽ được an hưởng tuổi già thì phải chăm sóc người bạn đời, vì chồng vì con mà quá lam lũ, để rồi kiệt sức bị bệnh liệt giường. Từ việc đồng áng cho đến việc tập thể, việc họ. việc làng, vừa phải chăm sóc bà, từ bát cháo,thang thuốc lặn lội khắp miền xa Thanh Hoá, Hà Tĩnh, mong sao cho bà hồi phục. Công việc âm thầm lặng lẽ và chu đáo, không làm phiền đến các con, để các con yên tâm công tác. Sau khi bà mất, vắng đi người bạn đời chung thuỷ, phần vì buồn nhớ, phần vì sức khoẻ sa sút, con cái đi làm việc xa, thiếu đi sự chăm sóc của người thân, bệnh càng trầm trọng hơn và ông đã ra đi ở tuổi 76 trong nỗi tiếc thương của con cháu, bà con thân tộc và xóm giềng. Trong một lần dọn dẹp lụt, tình cờ tôi tìm được một số cuốn nhật ký của ông, nhưng do thời gian quá lâu, phần bị nước thấm hỏng, chỉ còn lại nửa cuốn nhật ký còn đọc được, tôi bồi hồi xúc động, lật những trang sót lại. Khi đọc những bài thơ trong cuốn nhật ký, tôi mới hiểu được tâm tình của người lính. Nếu như không có chiến tranh, giá như bọn giặc ngoại xâm không giày xéo Tổ quốc ta, có lẽ Cha tôi cũng đã trở thành một giáo viên hay một công chức như những người khác trong làng rồi.
Tôi cũng không tham vọng kể lể hay khoe khoang điều gì về ông, chỉ muốn mọi người biết về những bài thơ của một người lính, tâm hồn người lính, những mong ước hoài bão của những người lính Cụ Hồ đầy lòng nhiệt huyết, ra đi  chiến đấu vì quê hương, vì Tổ quốc. Một thế hệ vinh danh cho dân tộc, tâm sự của ông cũng là sự chung của  những con người mặc áo lính, những người con đất Lệ
Xuất xứ bài thơ 1: Năm 1973, sau hiệp định Pari, tạm thời đình chiến, cái tết hoà bình đầu tiên sau bao năm chiến tranh, xuân Giáp Dần 1974. Ai cũng háo hức vui mừng, nhà nhà có con đi bộ đội đều mong ngóng đứa con bao năm chưa về. Ông nội tôi, Mẹ tôi, các Thím cũng vậy, khoảng 25 đến 27 tháng chạp, hễ có người nào mang chiếc ba lô con cóc vào làng, thì trống ngực cứ như muốn nhày ra ngoài. Ông tôi, cả bốn người con trai  đều trong quân ngũ, ông chỉ mong sao có một đứa về cũng được. Nhưng  việc quân sự đâu phải việc nhà mà muốn là được ngay. Ông biết vậy nhưng vẫn cứ mong, cứ ngóng. Hồi đó tôi còn nhỏ đâu có hiểu được nỗi lòng của một người cha đang mong đợi con từ chiến trường về. Rồi Giao thừa đã đến, chính giữa phút giao thời mong đợi đó, một niềm vui bay đến, dù người  thân không về được, nhưng  đã có một  người lính mang bức thư của cha tôi đến tận nhà. Dù chỉ là bức thư, nhưng cũng giống như các con đã về đoàn tụ cùng Ông nội. Trong thư  Ba tôi viết: Vì nhiệm vụ của Tổ quốc mà con  không làm trọn đạo hiếu với cha, hẹn ngày đất nước hoà bình, các con sẽ về để làm tròn bổn phận. Trong thư, ngoài lời hỏi thăm chúc tết, những tình cảm chứa chan trong lòng trào dâng, nỗi niềm hân hoan chiến thắng của quân và dân ta, ông đã cảm hứng viết nên bài thơ tặng  Cha già

XUÂN QUÝ SỬU          
 
Quý Sửu xuân sang súng đã ngừng,
Bao ngày mong đợi nỗi vui mừng.
Xin hẹn cùng cha, tròn nhiệm vụ
Mai về sum họp, đủ các con.
 
Mỗi độ xuân sang, ở xa nhà
Bao niềm xao xuyến nỗi lòng ta.
Vui với nàng xuân, hoa chen lá,
Vui cùng đất nước tiến quân ca.
 
Quý Sửu xuân nay ở xa  nhà,
Cờ bay phấp phới rộn lời ca.
Đất nước tưng bừng xuân đại thắng.
Bao người chiến sĩ vẫn xông pha.
 
Vui nỗi nào hơn nước non nhà. 
Bao năm chinh chiến vượt can qua.
Mỹ cút, Nguỵ nhào giành thắng lợi.
Hoà bình lập lại  thắm muôn hoa.
 
Tuy đã tắt đi lửa chiến trường,
Quân thù còn đó, nửa quê hương !
Niềm vui chưa trọn, người chiến sĩ,
Còn vì non nước, gác nhớ thương.
 

Xuất xứ bài thơ 2: Trong giờ phút giao thừa thiêng liêng đó, nỗi nhớ cha day dứt, thương người vợ tần tảo thay chồng đảm đang mọi việc; nhớ những đứa con thân yêu không được gần gũi, chẳng mấy khi chúng thấy mặt cha . Vì nhiệm vụ thiêng liêng của Tỏ quốc mà đành khất tiếp một Xuân nữa xa nhà. Không biết đây là mùa xuân xa nhà thứ bao nhiêu nữa, bởi chính mình là người lính, khi đất nước chưa thanh bình thì người lính không thể buông súng để có một giờ ngơi nghỉ. Trong tâm hồn ngập tràn nỗi nhớ, bài thơ cũng đã ra đời  sau phút giao thừa của mùa xuân 1974.

 SƠ CẢM NGÀY XUÂN

( Xuân Giáp Dần1974)

Quý Sửu qua, Giáp Dần đã tới,
Hai tết rồi, nhà đợi người xa.
Tàu xe thông suốt vào ra,
Ngày xuân sum họp sao ta không về ?
 
Gió xuân thổi, lòng quê man mác,
Trời về khuya lác đác sương rơi,
Bâng khuâng trong tiếng à… ơi…
Hồn thơ thức dậy những lời mẹ ru.
 
Cha hôm sớm cần cù tóc bạc,
Ôi hiền từ, chất phác bao la.
Thương con việc nước xông pha,
Nâng niu đàn cháu lo xa tính gần.
 
Đời chiến sĩ vui xuân chiến đấu,
Nỗi niềm riêng em thấu cho chăng ?
Việc quân không hẹn tuần trăng,
Khi nào hết giặc, thong dong anh về.
 

Xuất xứ bài thơ 3: Còn đây là bài thơ viết năm 1972, khi cả ba anh em đều bộ đội, người chú Út đã  học Đại học năm thứ tư, lại tình nguyện lên đường vào Nam chiến đấu, ông có 4 người con trai cùng một lúc tại ngũ. Ngày 09/01/1972 trong thư gửi Bọ, báo tin chú Út đi thực tập xong được tuyển vào bộ đội. Đông viên, khêu gợi niềm tự hào của gia đình Bọ có bốn đứa con trai đều vào quân đội cách mạng, ông đã làm bài thơ chữ Hán :
 
Huynh đương tại ngũ, Đệ tòng quân,
Toàn gia nam tử vi Quốc, vi dân.
Thê nhi, lão phụ, hậu phương đảm.
Hiếu trung viên mãn, chi gia siêu.


Xuất xứ bài thơ 4: Hết chiến tranh chống Mỹ, tưởng sẽ được ngơi nghỉ, nhưng  hai cuộc chiến nữa ở hai đầu Tổ quốc, lại tiếp tuc xông pha, ngay cả khi người cha thân yêu sắp mất, đau đáu chờ con về, nhưng một ngày, rồi hai, ba ngày, hết một tuần vẫn biệt tăm. Ở nơi địa đầu Móng Cái, mặc dù biết Cha hấp hối, nhưng kẻ thù còn trước mắt, không thể vì tình riêng mà mang tội với Tổ quốc,  nỗi  lòng như dao cắt, ông đành gạt lệ, chịu bất hiếu với người cha quá cố vì chưa thể về để chịu tang cha.Ông nội tôi đã ra đi vào cõi vĩnh hằng mà vẫn không được gặp  mặt Cha tôi lần cuối. Mãi đến nửa tháng sau, cha tôi mới về được. Năm 1986 ông được nghỉ hưu, trở về quê, lại lao vào đồng áng, gánh vác trọng trách thay con,  mặc dù trăm công ngàn việc, nhưng vẫn ghi, vẫn viết thường xuyên, một số bài do thất lạc và nhoè đi vì mưa gió nhưng còn lại một vài bài như Em Út tôi, Ba tôi tặng lại Chú khi Chú có thư mừng anh  trai 61 tuôi.

EM ÚT TÔI

Vắng hơi mẹ khi đang cần bú mớm,
Nhờ sắn khoai, ấp ủ cánh tay cha.
Mái đầu xanh, lại khuất bóng cha già.
Việc gia thất, tự thân ta lo liệu.
 
Tuổi thơ ấu ra công đèn sách
Xếp bút nghiên, đánh Mỹ xông pha.
Khúc quân hành, vang khải hoàn ca,
Quay gót lại sân trình cửa Khổng.
 
Rồi đất nước sang trang sử mới,
Đâu phải thuận chiều phơi phới đi lên.
Nhiều đổi thay gian khổ, truân chuyên,
Biết bao kẻ ngả nghiêng, chao đảo.
 
Trong sóng gió, phong trần tỉnh táo.
Vững lòng tin vào Đảng kiên cường.
Tiếng gà xuân, náo nức bốn phương,
Bình minh dậy, vừng dương sáng lạnh.
Vui biết mấy
        Em ơi
             Trời đã sáng.

Tác giả bài viết: Lê Ngọc Tĩnh