Lê Đức Hà thôn Xuân Tổng - Vượt khó làm giàu

Xuất ngũ trở về địa phương với hai bàn tay trắng, nhưng nhờ cần cù, chịu khó, Lê Đức Hà ở thôn Xuân Tổng, xã Văn Hóa (Tuyên Hóa) đã và đang từng bước vươn lên làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình bằng mô hình chăn nuôi thủy sản, gia cầm kết hợp

Lê Đức Hà sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo, thuần nông, cuộc sống khó khăn, vì thế ngay từ nhỏ anh đã luôn ấp ủ một khát khao vươn lên làm giàu để cải thiện cuộc sống. Sau thời gian trong quân ngũ, năm 2004, anh xuất ngũ trở về địa phương với hai bàn tay trắng, bố lại bị bệnh hiểm nghèo nên một mình anh gồng gánh nuôi mẹ già và 2 đứa em đang tuổi ăn học.

Được sự ủng hộ của gia đình cùng với sự cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, anh mạnh dạn đấu thầu hơn 15 ha đất rừng của xã trồng keo, tràm... để phát triển kinh tế. Sau khi nhà máy xi măng Văn Hóa được xây dựng, diện tích rừng của anh thuộc diện được đền bù, giải tỏa. Cầm số tiền được đền bù trong tay, anh lại ấp ủ một dự án làm giàu khác. Năm 2011, anh tiếp tục đấu thầu 15 ha đất bỏ hoang tại vùng Bồ Bồ (thuộc thôn Xuân Hạ, xã Văn Hóa) để cải tạo, đắp đập xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp.

Anh cho biết: "Trước đây Bồ Bồ là một vùng đất bỏ hoang với rất nhiều năn, lác. Nhận thấy vùng đất này có nhiều  tiềm năng, tôi đã mạnh dạn xin đấu thầu rồi thuê máy móc, nhân công be bờ, đắp đập để khoanh vùng nuôi cá và các loại gia cầm khác".

Lê Đức Hà đang chuẩn bị thức ăn cho vịt.
Lê Đức Hà đang chuẩn bị thức ăn cho vịt.

Những ngày đầu thực hiện mô hình, anh gặp không ít khó khăn cả về vốn, giống và kỹ thuật. Khó khăn là vậy nhưng chưa bao giờ anh than thở hay có ý định bỏ cuộc. Năm 2012 với số tiền vốn có được anh tiếp tục vay mượn anh em, họ hàng, bạn bè và vay vốn từ ngân hàng mạnh dạn đầu tư trên 300 kg cá giống chủ yếu là các loại cá mè, cá trắm, cá rô phi...

Chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm, anh đã có nguồn thu lãi trên 30 triệu đồng. Tự tin với những thắng lợi bước đầu, anh tiếp tục đầu tư trên 100 triệu đồng mua vịt giống về thả nuôi. Nhờ bản tính cần cù, chịu khó, anh tích cực tìm hiểu kinh nghiệm chăn nuôi từ sách, báo hay học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước cùng với ý chí, khát khao của tuổi trẻ, dần dần trang trại của anh quy mô ngày càng lớn với tổng số vốn đầu tư trên 400 triệu đồng và bước đầu phát huy được hiệu quả.

Riêng đối với vịt nuôi, mỗi ngày anh thu được từ 800 đến 1.000 quả trứng, tính theo giá thị trường mỗi ngày anh thu được hơn 2 triệu đồng. Anh cho biết thêm: "Trong thời gian tới tôi đang có ý định sẽ mở rộng chăn nuôi các loại gia súc như trâu, bò, lợn và trồng các loại cây phù hợp với thổ nhưỡng tại đây vì thế tôi hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp hội, chính quyền tạo điều kiện cho tôi được vay thêm vốn để có thể an tâm mở rộng mô hình".

Không chỉ biết làm kinh tế giỏi, Lê Đức Hà còn là một công dân gương mẫu trong việc thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, anh sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm với người khác trong phát triển kinh tế cũng như luôn đi đầu trong các phong trào hoạt động ở địa phương. Bằng ý chí, nghị lực, tinh thần vượt khó của bản thân, từ chỗ cuộc sống gặp nhiều khó khăn, anh Lê Đức Hà đã vươn lên làm giàu, làm chủ cuộc sống của mình, xứng đáng là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ trong địa phương học tập, làm theo. Việc làm của anh đã góp phần đáng kể vào tiến trình xây dựng nông thôn mới tại quê hương Văn Hóa anh hùng.

Tác giả bài viết: Tuấn Anh