Lương Duy Chí (Phần 1)

Tư liệu lịch sử về truyền thống một dòng họ khoa bảng nổi tiếng ở làng Lệ Sơn của thầy giáo Lương Duy Niệm
Bài viết cùng tác giả đã đăng:
1. Tế lễ Bản Thổ Thành Hoàng Làng Lệ Sơn (Phần 1)
2. Tế lễ Bản Thổ Thành Hoàng Làng Lệ Sơn (Phần 2)
3. Tế lễ Bản Thổ Thành Hoàng Làng Lệ Sơn (Phần 3)

MỘT DÒNG HỌ KHOA BẢNG Ở LÀNG LỆ SƠN

Năm 1471, ông Lê Văn Hành - Quốc Tự Giám Sinh đã cùng với một số tướng lỉnh môn đệ vào khai phá, lập nghiệp tại xứ Cồn Vang .Quan Lạng Động Hầu Nguyển Huy Tưởng lập sớ tâu vua Lê và từ đó vùng Cồn Vang được đặt tên là làng Lệ Sơn, nay thuộc xã Văn Hoá - huyện Tuyên Hoá - tỉnh Quảng Bình

Cụ tổ Lương Bá Phiếm, đời hậu sinh của Trạng Lường, Lương Thế Vinh tiếp nối về tại làng Lệ Sơn lập nghiệp và sinh sống. Cụ Lương Bá Phiếm sinh hạ  được 2 người con trai. Rồi sinh con, đẻ cháu cho đến nay đã có 16 -17 đời sinh sống tại làng Lệ Sơn này . Họ Lương cùng với 7 dòng họ khác lập thành “Bát đại tính“ sống hoà thuận đoàn kết, chung lưng đấu cật cùng xây dựng và bảo vệ quê hương ngày càng đổi mới trên mảnh đất này trong hơn 500 năm qua .

Từ gia phả họ Lương đại tôn và gia phả chi tộc họ “Lương Duy“ đã ghi lại vào đời thứ 10, cụ Lương Duy Chí là con trai độc nhất của cụ Lương Tôn Thành. Khi Lương Duy Chí chưa đầy 10 tuổi thì cha lâm bệnh rồi qua đời. Người mẹ phải làm lụng vất vả: dệt vải vá may để nuôi con khôn lớn. Đến mùa vụ thu hoạch mẹ phải đi mót lúa, mót khoai ... để nuôi con rau cháo qua ngày .

 Ngay từ tuổi ấu thơ, cậu bé Lương Duy Chí đã rất ham học và học rất giỏi được gọi là thần đồng. Thấy cậu bé thông minh và sáng dạ, thầy tú Trần Sòng trong làng đã nhận về dạy dỗ. Cậu học trò nghèo ấy đêm đêm phải vào các đền chùa miếu mạo lấy chân hương, xâu hạt bưởi thắp sáng thay đèn để học. Cậu viết bút tre trên lá chuối, lấy đất sét khô, lấy than viết trên ván. Trong nhà cậu lúc nào cũng có một thúng cát mịn, mỗi khi học bài, cậu rắc cát mịn trên nền nhà phẳng, viết các bài khoá luận dài trên mặt cát ấy.

Sau hơn 10 năm được thầy tú Sòng dạy dỗ,  triều đình mở khoa thi, cả hai thầy trò lên kinh ứng thí. Thầy Tú Sòng đã 7 lần đỗ tú tài. Trong khi đó, cậu học trò nghèo mồ côi được mình dạy dỗ ấy lại đỗ cử nhân, được sắc phong làm quan tri phủ. Ngày “Vinh quy bái tổ“, Tri phủ cho người mời thầy tới dự, nhưng thầy không nhận lời. Biết mình có lỗi, quan phủ áo mũ chỉnh tề vào nhà thầy, quỳ lạy và đọc mấy câu thơ rằng “... Nhất khoa trúng cử thế gian thường tình / Bát khoa thi đỗ mới vinh / Trò xin quỳ lạy ân tình mẹ cha / Xin thầy hai lạy cả nhà / Ơn này cha mẹ ông bà không quên ...”.

Thế rồi “Thầy Trần vội đỡ trò lên /Quan - Thầy vui sướng lưu tên đến giờ “ . Những câu chuyện cảm động ấy một phần còn được lưu giữ trong gia phả, chẵng những  người trong dòng họ đều biết mà dân chúng của làng đang truyền tụng và kể lại cho con cháu để giáo dục cho thế hệ mai sau.

Sau 5 năm làm quan, cụ về quê làm ngôi nhà cho mẹ ở. Ngôi nhà 3 gian 2 chái làm bằng gỗ dỗi chạm trổ rất tinh xảo thay cho cái trai tre dột nát xưa kia. Trước hiên nhà được đúc 4 cột nanh, hai cột giữa được gắn câu đối bằng những mảnh sành tinh xảo, mãi sau này mới được một người giỏi tiếng Hán tạm dịch là : “ Đưa mắt ngắm sông Gianh, bến nước êm đềm uốn khúc mạch Rồng dòng nước lượn / Dựa lưng êm Thần Lĩnh*, núi non cao ngất, âm vang tiếng Phượng khoảng trời cao“.

Sau khi cụ mất, ngôi nhà trở thành nhà thờ của chi tộc họ “Lương Duy “ . Vào những năm 1968 – 1972 , khi cuộc chiến  ác liệt nhất của không lực Huê Kỳ, quân y viện 559 đã chuyển về đây. Nhà thờ đã trở thành phòng mổ phòng cấp cứu cho thương binh từ mọi nơi chuyển về .

Hiện nay, cứ đến ngày mồng 10 tháng Giêng âm lịch hằng năm, ngày dỗ cụ con cháu lại tập trung đầy đủ để tế lễ cụ. Họ hàng con cháu từ xưa cho đến thế hệ bây giờ vẫn giữ được tục xưa. Trong khói hương nghi ngút, người cao tuổi nhất đứng tế và kể lại những câu chuyện về sự hiếu học, thông minh và chịu thương chịu khó để học hành thành tài của cụ, nhằm giáo dục cho thế hệ cháu chắt chút ...truyền thống hiếu học vô cùng tốt đẹp ấy. Cụ mãi mãi là tấm gương sáng cho con cháu các đời sau học tập và phát huy truyền thống của ông cha tên tuổi của cụ, sự nghiệp học vấn của cụ , sự say mê, thông minh, chịu thương chịu khó ấy vẫn trường tồn cho đến bây giờ.

Các thế hệ con cháu chắt chút ... của cụ đã phát huy đầy đủ những tinh hoa của một gia tộc, một truyền thống hiếu học của ông cha để lại. Con cháu  chắt chút ...đã cố gắng hết mình, nổ lực hết mình để học hành trở thành những người tài giỏi đặng phục vụ tổ quốc phục vụ nhân dân.

Hiện nay, tuy chỉ còn 01 cháu trai độc nhất và 01 cháu gái, 02 cháu dâu, còn lại là bậc chắt chút ... cả 12 nhánh cháu nội của cụ, nhánh nào cũng có con cháu học giỏi có bằng cử nhân trở lên. Trong hàng bậc cháu, đăc biệt nhất có thầy giáo Lương Duy Tâm, nguyên là trưởng ty Giáo dục tỉnh Quảng Bình sinh hạ được 09 người con. Đứa con gái đầu lòng của thầy là Lương Thị Bích Tuần bị giặc Pháp bắt đi trong trận càn lên làng Lệ Sơn năm 1950, sau mất tại thành phố Hồ Chí Minh. Còn 08 đứa con của thầy đều có bằng cử nhân cả. Thầy có 02 giáo sư nguyên là cán bộ giảng dạy tại trường Đại hoc sư phạm Hà Nội 1. Đó là GS. Lương Duy Thứ, nhà giáo ưu tú, GS. Lương Duy Trung đã từng viết tiêu thuyết tác gia và những cuốn sách nghiên cứu văn học được dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Hoa ... Còn thầy giáo Lương Duy Tâm để lại cho đời cuốn sách “Lịch sử- Địa lý Quảng Bình “, hiện nay còn dùng làm tài liệu nghiên cứu và làm tài liệu giảng dạy lịch sử - địa lý địa phương trong tỉnh QB.

Dòng họ, gia đình cụ Lương Duy Chí hiện nay có 29 chắt nội và hơn 20 chút nội có bằng cử nhân trở lên ở các ngành khoa học khác nhau. Hiện nay, mỗi chi, mỗi gia đình đều có cách giáo dục con cháu  của mình bằng mỗi cách riêng, nhưng đều tập trung vào giáo dục truyền thống hiếu học của ông cha. Ngày giỗ cụ, cho đến nay vẫn hương hoa tế lễ như nếp xưa. Việc kể lại những tấm gương vượt khó học giỏi  vẫn được duy trì. Gần đây GS. Lương Duy Trung có gửi về 30 triệu đồng để một phần tu sửa nhà thờ, một phần nửa dùng làm quỹ khuyến học, dùng để phát thưởng, động viên cho những con cháu hiển đạt về mặt học hành vào ngày dỗ cụ.

Ngoài 29 chắt nội và hơn 20 chút nội có bằng cử nhân trở lên ,con cháu của cụ Lương Duy Chí còn có 49 giáo viên các cấp là cháu chắt chút chít dâu rễ của cụ, kể cả giảng viên ở các trường đại học và các cấp trong các nhà trường.

Các chi nhánh, các gia đình, các thế hệ của dòng họ đang thường xuyên giáo dục cho con cháu chắt chút ... hãy phát huy hơn nữa truyền thống hiếu học của ông cha để kế tục và kế tục xứng đáng với lớp trước mà ông cha đã để lại.

Chú thích:

 * Thần Lĩnh: tên một chóp núi trong dãy lèn 99 chóp ở phía Nam làng Lệ Sơn


Tài liệu tham khảo :

1) Gia phả Bát Đại Tính – Gia phả họ Lương đại tôn – Gia phả của chi nhánh dòng họ “Lương Duy “

2) Gần đây tôi có gặp ông Lương Xuân Lai. Q . trưởng họ Lương Đại Tôn yêu cầu đăng bài này báo làng (www.langleson.net ) và viết thêm ít bài nói về truyền thống dòng họ. Vì vậy tôi gửi nguyên bản bài này đã được đăng trong tạp chí Văn Hoá Quảng Bình để quý độc giả hiểu thêm về truyền thống “Văn nho lớp lớp lưu tên” của làng Lệ Sơn nói chung và của dòng họ Lương nói riêng.

Tác giả bài viết: Lương Duy Niệm (Tel: 0523670139-01657607867 - Email: lduyniem@gmail.com)