Làng vườn Lệ Sơn

Bài viết Làng vườn Lệ Sơn của tác giả Lương Duy Thắng
Lời dẫn của BBT: Ngay sau khi đề án xây dựng NTM của UNBD xã Văn Hóa công bố lên mạng LLS.NET để lấy ý kiến đóng góp của con em quê hương. Ban biên tập nhận thấy ý kiến đóng góp của anh Lương Duy Thắng khá sát thực và đáng lưu tâm. "..Theo tôi, xã ta nên tập trung phát triển kinh tế , nâng cao đời sống nhân dân là tiêu chí ưu tiên. Như tôi đã có viết trong bài "Làng ta xây dựng nông thôn mới" là; Dân lấy ăn làm đầu, một khi kinh tế phát triển người dân no đủ thì phú quý sinh lễ nghĩa, các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao mang tính cộng đồng cũng tự thân phát triển. Cứ xem, quốc gia nào, địa phương nào kinh tế phát triển thì quốc gia đó, địa phương đó hoạt động văn hóa cộng đồng phát triển sâu và rộng. Một điều tôi thắc trong đề án phát triên kinh tế không thấy nói đến kinh tế Vườn, một thế mạnh về đất đai và truyền thống của làng ta...".

Việc tận dụng quỹ đất dồi dào để phát triển kinh tế theo mô hình lấy nông nghiệp làm nền tảng, dịch vụ làm động lực là hướng phát triển kinh tế khá phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương ta. Trên tinh thần đó chuyên trang trân trọng giới thiệu lại bài viết Làng vườn Lệ Sơn của tác giả Lương Duy Thắng như là một tham luận để làm căn cứ cho bà con trao đổi thêm về vấn đề này.

Bài viết liên quan:
1. Đề án xây dựng Nông thôn mới tại xã Văn Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình
2. Làng ta xây dựng nông thôn mới
 

Trên mảnh đất Cồn Vang, bao đời nay người Lệ Sơn đã khai phá và trồng trọt khá nhiều loại cây trái. Ngoài cây lương thực trồng trên đồng, ruộng còn nhiều loài cây ăn quả được trồng trong nương, vườn nhà. Đã có thời, làng Lệ Sơn  nổi tiếng trong vùng về nghề làm vườn, từ làng trên, xóm dưới, mỗi nhà là một khoảnh vườn, rộng thì vài sào,hẹp thì cũng vài trăm mét vuông, tổng thể cả làng như là một rừng cây trái với đủ loại, mà nhiều nhất là : tre, cau, cam, tắt, mít, chuối …Những năm được mùa cau, vào kỳ thu hoạch  làng trên, xóm dưới chong đèn dầu đổi công cho nhau bổ cau suốt cả đêm, được mùa cam, tắt thì đi đâu, vườn  nào cũng vàng rực, trĩu quả chín mọng. Mùa nào thức đấy, sản phẩm vườn Lệ Sơn bày bán nơi chợ làng, hoặc theo đò dọc xuôi về góp mặt ở chợ Sải, chợ Đồn, sau này còn theo tàu chợ vào tận Đồng Hới và là nguồn thu nhập đáng kể cho mỗi gia đình.

Nhưng hiện nay, do điều kiện thời tiết ngày càng khốc liệt, giống cây ngày một thoái hóa, nên vườn tược ở làng ta đang ngày một suy kiệt, xác xơ. Có những loại cây gần như ít người trồng mới hoặc đã bị tuyệt giống, đã có nhiều nhà dọn vườn chặt bỏ cây lâu năm để trồng rau xanh. Nguyên nhân, có lẽ do thu nhập từ vườn không cao mà sâu xa là do tập quán canh tác, bao đời nay người dân làm vườn vẫn mang tính chất tự sản tự tiêu, người ta có cây gì mình có cây đó, người ta có ăn mình cũng có, khỏi phải đi xin hay mua. Vì thế, vườn không được đầu tư thâm canh để có sản phẩm hàng hóa nên làm vườn không  đưa  lại  hiệu quả kinh tế là đương nhiên.


 1
 
Không rõ trong quy hoạch nông nghiệp của làng và chủ trương của Chính quyền trong việc phát triển kinh tế vườn, như thế nào? Tôi có một vài suy nghĩ, hầu mong góp một phần trong việc duy trì nghề truyền thống làm vườn của làng ta như sau: Theo tôi, trước hết người dân cần thay đổi tư duy, cải tạo lại vườn nhà, mạnh dạn chặt bỏ những cây không hiệu quả, những cây già cỗi, thoái hóa v.v..chọn một, hai loại cây chính phù hợp trồng tập trung, đầu tư thâm canh, áp dụng KHKT về giống, chăm sóc, thu hoạch …để có sản phẩm hàng hóa " ra tấm ra món" hẵn hoi. Nên nhớ, với sự phát triển kinh tế vùng, đó là các nhà máy, xí nghiệp, các khu đô thị tương lai thì một bộ phận dân cư cơ học tăng lên đáng kể sẽ là nguồn tiêu thụ dồi dào các sản phẩm hàng hóa của làng ta.

Về loại cây trồng, có lẽ với đặc điểm thời tiết lũ lụt thường xuyên thì loại cây thích hợp phải là cây ngắn ngày, tránh lũ lụt, chủ động trong khâu thu hoạch. Qua tìm hiểu, tôi được biết tại Huyện Bắc Trà My tỉnh Quảng Nam sau những năm cây quế "hết thời vang bóng"  dân tình khó khăn sau nhờ trồng chuối dân đã hết khổ, thoát nghèo và cây chuối hiện nay được coi là cây xóa đói giảm nghèo của địa phương. Cây chuối dễ trồng, mau ăn " trẻ trồng na, già trồng chuối" sau một năm là cho trái, dễ thu hoạch, dễ tiêu thụ và hiệu quả kinh tế cao (khoảng 80 triệu đồng/ ha). Một loại cây nữa theo tôi cũng rất phù hợp với thị trường trong tương lai, lại phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng làng ta là trồng rau xanh - một sản phẩm không thể thiếu trong đời sống của mọi gia đình. Ở các thành phố, thị xã người ta đã phải quy hoạch vùng trồng rau tập trung, đầu tư lớn cho nó đế có sản phẩm cung cấp cho thị dân. Ở đồng bằng Sông Hồng, trước đây người dân được chia ruộng 5% họ đều trồng rau, mùa nào rau đó, không  cho đất nghỉ và có hiệu quả kinh tế .

 
Mong sao, làng Lệ Sơn chúng ta nổi tiếng về làng học, trong tương lai sẽ nỗi tiếng là làng vườn giàu có và tươi đẹp.

Tác giả bài viết: Lương Duy Thắng