Kỷ niệm ngày thành lập QĐNDVN, nhớ về những người con đất Lệ anh hùng

Trong trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, đã có biết bao anh hùng đi vào trang sử, tên tuổi các anh mãi mãi là niềm tự hào của biết bao thế hệ. Trong số những con người ấy, có những người con của mảnh đất Lệ Sơn, vùng đất địa linh nhân kiệt đã sản sinh ra bao anh hùng, những cán bộ cao cấp trong quân đội nhân dân Việt Nam. Lúc Tổ quốc cần thì họ sẵn sàng cống hiến sức lực, tuổi thanh xuân và tính mạng của mình để bảo vệ nền độc lập tự do cho dân tộc. Có một dòng họ trong Bát đại tính của làng Lệ Sơn có 3 anh hùng cùng sinh ra ở xóm Lê Lợi, lại cùng một họ mà cụ tổ là Thầy đồ Trần cảnh Huống, hậu duệ của danh tướng Trần Nguyên Hãn
1. Trần Kỳ tức Thiếu Tướng Hoàng Sâm
Ông sinh năm 1915, quê quán Lê Lợi - Văn Hóa – Tuyên Hóa – Quảng Bình. Ông là người Đội trưởng đội tuyên truyền giải phóng quân, một con người tài năng đức độ, được Hồ Chủ Tịch tin yêu, ông là vị tướng được phong hàm trong đợt  đầu tiên. Chiến dịch 1968 tết Mâu Thân, ông là người trực tiếp chỉ huy mặt trận Tri thiên, tiến về giải phóng thành phố Huế trong thời gian ông công tác ở chiến trường từ tháng 5 đến tháng 12/1968, đúng vào lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ của ta ở Trị Thiên gặp nhiều khó khăn sau đợt Tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân. Lực lượng của ta so với lực lượng của địch quá chênh lệch, địch bao vây tứ phía, mọi ngả đường tiếp tế cho quân khu bị địch chặn đứng, nhiều cơ sở của ta bị phá vỡ, lương thực thiếu thốn trầm trọng. Bộ đội các đơn vị bị đói và bị sốt rét nhiều/

Là người chỉ huy, ông phải cùng với Bộ chỉ huy Quân khu dành hết tâm, sức để cùng với bộ đội, nhân dân đối chọi với kẻ thù, giành lại quyền chủ động trên chiến trường. Vì làm việc quá sức, trong điều kiện quá gian khổ nên ông bị mắc bệnh hiểm nghèo. Quân khu đề nghị Bộ Quốc phòng đưa ông ra miền Bắc chữa bệnh. Trên đường trở ra Bắc, đến Mường Noòng, ông trút hơi thở cuối cùng vào ngày 15/12/1968. Bạn bè, đồng đội thương tiếc ông vô hạn, một vị tướng tài, một vị chỉ huy đa mưu, dũng cảm và hết lòng thương yêu bộ đội.

 
Vị tướng
Thiếu tướng Hoàng Sâm ( thứ 4 từ T qua P) và các vị tướng lĩnh

2. Trần Phương ( Trần Minh Phương) Trung úy phi công Trung đoàn sao đỏ 921
Ông sinh tại Lê Lợi – Văn Hóa – Tuyên Hóa - Quảng Bình, là phi công được đào tạo tại Trung Quốc. Nổi tiếng cả trong những năm tháng kháng chiến chống giặc ngoại xâm, tên tuổi Trung đoàn Không quân Sao đỏ (Trung đoàn 921) là niềm tự hào của Không quân Việt Nam. Ngay trong trận đánh đầu tiên của Trung đoàn ngày 3-4-1965, Biên đội MIG 17 đầu tiên của “bộ tứ”: Lan, Túc, Quỳ, Phương (Phạm Ngọc Lan, Phan Văn Túc, Hồ Văn Quỳ và Trần Minh Phương) đã bắn rơi 2 chiếc máy bay F8 của Không quân Hải quân Mỹ trên vùng trời Đò Lèn - Thanh Hóa. Ngày 3-4-1965 đã được ghi vào trang sử vàng truyền thống của Trung đoàn và trở thành ngày truyền thống của Không quân nhân dân Việt Nam.

Trận chiến thứ 2 biên đội anh đã lần lượt hy sinh anh dũng để bảo vệ chiếc cầu Hàm Rồng, huyết mạch của Quốc lộ 1A tại vùng trời Đò Lèn Thanh Hóa. Tên tuổi anh đã được  một nhạc sỹ phổ vào bản hùng ca: .. Anh Trần Phương, người lính vẫn nhiệt thành dũng cảm, trước thù xâm lăng anh mưu trí kiên cường…


 
Nụ cười chiến thắng
Nụ cười chiến thắng của “bộ tứ” Lan, Túc, Kỳ, Phương sau chiến thắng đầu tiên.(Trần Minh Phương thứ 4 trái qua phải)
 
 3. Đại tá Trần Đình Thân:

Anh sinh năm 1944, ở Lê Lợi – Văn Hóa- Tuyên Hóa quảng Bình. Là một sĩ quan chỉ huy giỏi, một con người gan dạ dũng cảm, trên chiến trường Campuchia,  nghe danh ông bọn lính Pôn pốt đều khiếp sợ. Ông đã trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, rồi giúp nước bạn đánh đuổi bọn Khơme, giải phóng campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Ông đã hy sinh trên đường trở lại chiến trường do bị vướng mìn bọn Pôn Pốt cài lại. Báo chí phương Tây gọi ông là con hùm xám trên chiến trường Khơme.

Ba vị anh hùng của làng ta đều là họ Trần, lại sinh ra ở Lê Lợi, lại cùng một ông tổ là Trần Cảnh Huống ( hậu duệ của danh tướng Trần Nguyên Hãn). Người Họ Trần có quyền tự hào về những người con của dòng họ mình. Người Lệ Sơn có quyền tự hào về những người con đất Lệ đã làm rạng rỡ cho non sông đất nước, cho mảnh đất Lệ Sơn anh hùng. Bất cứ thời đại nào, giai đoạn nào thì đất Lệ Sơn đều sinh ra những người con kiệt xuất, khẳng định vùng đất địa linh nhân kiệt, đứng đầu trong Bát danh hương.

Những anh hùng  của Làng Lệ Sơn có mặt trong thời điểm quan trọng nhất, Hoàng Sâm là người đội trưởng đội tuyên truyền giải phóng quân năm 12/1944, chỉ huy cuộc Tổng tiến công mùa xuân 1968  mặ trận Trị Thiên Huế. Trần Minh Phương là một trong những phi công đầu tiên của Việt Nam, được xuất kích trận đầu ra quân làm nên chiến thắng vang dội trên cầu Hàm Rồng, Trần Đình Thân xông pha trên lửa đạn chiến trường Campuchia để giúp bạn xóa bỏ chế độ dệt chủng Pôn Pốt. Vinh quang thay cho LLS của chúng ta.

Nhân  kỷ niệm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, những người con của quê hương xin cúi mình tưởng nhớ đến công lao các anh, xin nguyện suốt đời học tập và giáo dục con em tiếp bước truyền thống vẻ vang ấy.

Tác giả bài viết: Ngọc Tiệp