Giáo sư Lương Duy Thứ, người nặng lòng với quê hương, đất nước

Giới thiệu tuyển thơ văn Quê hương là trái bần chua ngọt của GS.Lương Duy Thứ, người con của quê hương Lệ Sơn
Giáo sư Lương Duy Thứ là giáo sư đầu ngành về Văn học Trung Quốc ở Việt Nam. Là một thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô, được cử đi học Đại học ở Trung Quốc ( 1955-1960) tốt nghiệp về nước được cử đi dạy học nhiều nơi. Các khoa Văn của các trường Đại học lớn của nước ta là Sư phạm Vinh, Sư phạm Việt Bắc, Sư phạm Hà Nội, Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh đều đã là nơi  giáo sư từng giảng dạy. Vào hội nhà Văn Việt Nam  năm 1990, được phong hàm Giáo sư năm 1991, người thầy giáo đại học kiêm nhà văn ấy miệt mài với sự nghiệp trồng người và sự nghiệp văn chương. Năm 2011, Giáo sư cho xuất bản cuốn sách “ Quê hương là trái bần chua ngọt”, một tuyển thơ văn “để góp tâm huyết với đời, với nghề”.

 

 

Cuốn sách 336 trang chia làm bốn phần, chọn lọc những tác phẩm đã viết, đã dịch, đã in của một nhà văn kiêm nhà nghiên cứu, nhà sư phạm lão thành. Phần truyện gồm 9 truyện. Phần kí gồm 11 bài. Phần thơ gồm 3 bài thơ ngắn và 6 bài thơ dịch của các tác gia cổ điển và hiện đại Trung Quốc. Phần truyện dịch tâm đắc gồm 6 truyện, trong đó có truyện Ông già tưới hoa đêm gặp tiên được đưa vào sách giáo khoa Trung học đại lục và Hồng Kông.

Nhìn chung, giữa  phần truyện và  phần kí nhiều khi, sự phân biệt cũng không thật rành mạch. Dẫu vậy thì xuyên suốt hai phần này, có thể thấy một tấm tình sâu đậm của một người con nặng lòng với quê hương đất nước. Những câu chuyện lạ về làng Lệ Sơn, một trong tám làng nổi tiếng ở Quảng Bình : Sơn, Hà , Cảnh, Thổ, Văn , Võ, Cổ, Kim ( nghe cứ như hai vế tiểu đối của một câu thơ) được tác giả trân trọng ghi lại. Cả con sông Linh Giang và những trái bần cũng được nhìn nhận với sự trìu mến, quý thương:

Sông Gianh chảy từ vùng núi thượng nguồn, đoạn qua làng có tên là Linh Giang. Nỗi nhớ về làng không ai quên được. Nhiều nhà văn nhà thơ đã lấy bút danh Linh Giang. Hai bờ sông là cây bần, một loại cây mọc thẳng, cây to có thể làm cột nhà, rễ cây từng chùm như cây đước trong Nam, giữ đất cho bờ sông khỏi bị sạt lở. Cây bần quanh năm xanh tốt, trái bần giống trái thị, khi chín trái bần rơi xuống nước chao đảo giống như ngôi sao xanh, ăn vừa chua, vừa ngọt. Là loại hoa trái bình dân, nhưng cũng là quà quý của tuổi thơ bên dòng song quê hương. ( trang 20)

Những con người trong huyền thoại  như  ông Bần, những con người thực nhưng  kì lạ như ông Đấu, o Lài, Bảy Vinh, ông nội của tác giả, những học trò có tên đã thành danh được nhắc đến trong truyện và kí đều khiến người đọc cảm động về những thời kì lịch sử khác nhau của quê hương đất nước.

Tôi muốn nhấn mạnh đến nhân vật Duy là nhân vật tác giả kể  chuyện trong Một cuộc Tây Du bằng giọng tâm tình. Có thể thấy được những nghĩ suy, những băn khoăn, trăn trở của một người suốt đời gắn bó với Cách mạng, với nghề dạy học và nghiên cứu, một người đội viên Thanh niên xung phong quyết làm “một người Việt Nam chân chính trong thời đại Hồ Chí Minh” trong các quan hệ gia đình, bạn bè, thầy trò, xã hội,… Yếu tố tự truyện có pha lẫn  sự hài hước làm tăng tính hấp dẫn của câu chuyện. Nguyên  chuyện tác giả giải thích cái tên các cụ đặt cho cũng thật lí thú với người mê chữ nghĩa.

“Thứ là một trong hai nội dung chính của đạo  nhân của nhà Nho. Đó là Trung và Thứ. Trung được giải thích là “Kỉ sở lập, lập ư nhân” – điều mình muốn thành đạt thì cũng giúp người khác thành đạt. Còn Thứ là “ Kỉ sở bất dục vật thi ư nhân” – nghĩa là điều mình không muốn thì cũng đừng gán cho người khác. Trong chữ Hán, Thứ thuộc loại hội ý, trên chữ như dưới chữ Tâm; Cha Duy dạy con như vậy nên cả 5 người con trai đều có chữ Tâm ở dưới ( Trung, Thứ, Tuệ, Tưởng, Thái)”. ( trang 41-42).

Một điều chắc là không nhiều người biết : người anh cả của giáo sư Lương Duy Thứ, giáo sư Lương Duy Trung, cũng là một chuyên gia đầu ngành văn học phương Tây ở Việt Nam.

Đối với phần kí thì những bài ghi chép việc quay trở lại trường cũ  và việc tiếp xúc với các học giả Đài Loan của tác giả  đem đến cho người đọc nhiều thông tin, cảm tình và sự ấm áp, nhiều điểm đáng cùng suy ngẫm. Chẳng hạn các Giáo sư Đài Loan : “ nếp sống cần kiệm đã trở thành tập quán. Quan sát các nhân viên trong Đoàn thì rõ. Họ ăn mặc rất giản tiện, không hề uống rượu và bia, không hề hút thuốc lá”. “ Một xứ sở bình quân đầu người đã lên đến chục ngàn đô la/năm, một xứ sở có thể nói đến điện khí hóa và điện tử hóa mà vẫn luôn giáo dục tinh thần cần kiệm – đó là điều đáng lưu ý, đáng học tập”. ( trang 109)

Về việc tìm hiểu văn hóa Trung Quốc : “ không thể thuộc thơ Đường mà không biết gì về Nho giáo, Đạo gia và Phật giáo. Ngược lại, có lẽ thơ Đường là nơi thể hiện rõ nhất ba cảm hứng Nho giáo, Đạo gia và Phật giáo của Trung Quốc” ( trang 119)

Còn  đây là thông tin về  sự giao lưu văn hóa Việt Nam với Trung Quốc  của người viết và báo cáo chuyên đề “ Giao lưu văn hóa Việt-Trung qua các chặng đường lịch sử”: “…văn học Việt Nam rất ít được giới thiệu ở Trung Quốc. Hầu như ở Trung Quốc chưa hình thành bộ môn Việt Nam học như ở Mỹ, Nhật, Pháp. Trong một buổi dạ hội ở Huệ Châu, sau mấy vòng quốc tế vũ, các bạn cùng lớp xoay ra hát karaoke. Một “tiểu thư phục vụ” ( nay không gọi là đồng chí mà đều gọi là tiểu thư, tiên sinh), mang đến tập danh mục các bài hát quốc tế. Tôi tìm khắp 20 trang mà chỉ thấy toàn bài hát Nhật, Mỹ, Pháp, Indonesia…Không tìm đâu ra một bài hát Việt Nam” ( trang 105-106).

Những bài viết khác ghi lại kỉ niệm ấm lòng với Giáo sư Đặng Thai Mai, nhà văn nhà giáo Trương Chính, và một chi tiết xúc động  với các giáo sư danh tiếng của đất nước : “ hai giáo sư Đỗ Hữu Châu, Nguyễn Hải Hà cùng bí thư Đảng ủy Nguyễn Xuân Hậu đến gặp giáo sư Hoàng Kim Tịnh và nói một câu cảm động : “ Giáo viên chúng tôi không có tiền, mỗi giờ giảng thêm được bồi dưỡng 8 hào, đây là tiền bồi dưỡng  10 giờ giảng, mong anh không chê”. Anh Hoàng Kim Tịnh, nay đã mất, từ chối rất dí dỏm : “ Các anh yên tâm, chúng tôi đã có tiền bồi dưỡng ca mổ ( cũng chỉ 8 hào thôi!)”  ( trang 133)

Phần thơ và phần truyện dịch tâm đắc như đã tóm tắt bên trên, chắc chắn sẽ đem lại cho bạn đọc nhiều dư vị.
   
Cuốn sách “ Quê hương là trái bần chua ngọt” là cuốn  tuyển thơ văn của giáo sư Lương Duy Thứ. Tôi vinh dự và may mắn được học giáo sư và được cùng dạy với giáo sư một thời gian ở Khoa Ngữ văn, trường Đại học sư phạm Việt Bắc. Được thầy tặng cho cuốn sách quý, tôi đã say sưa, chăm chú đọc và thay mặt cho những người học trò từng được học  thầy, viết những dòng giới thiệu với mọi người như là một lời tri ân thầy của lớp lớp học trò đông đảo khắp ba miền Bắc, Trung, Nam mà thầy đã dạy.

Tác giả bài viết: Vũ Nho