Động Chân Linh, vết tích còn lại của một danh thắng cổ

Theo dấu chân của những người am hiểu về địa thế nơi đây, chúng tôi tìm về với mảnh đất Lệ Sơn, xã Văn Hóa (Tuyên Hoá), một trong những làng đứng đầu “bát danh hương” của tỉnh Quảng Bình: Sơn - Hà - Cảnh - Thổ - Văn - Võ - Cổ - Kim.
Không chỉ nổi tiếng vì bề dày lịch sử với một nền văn hoá lâu đời, mà nơi đây còn gắn liền với nhiều truyền thuyết ly kì qua một hệ thống hang động kéo dài hàng kilômet.

1

Khảo cứu ban đầu tại xã Văn Hoá, ngoài động Chân Linh còn có các hệ thống hang, lèn đồ sộ cùng với nhiều đèo, khe, suối… tạo nên một vẻ đẹp hùng vĩ, lãng mạn. Từ lèn Đứt Chân, nơi khởi đầu chuyến đi, xuyên qua hai hầm đường tàu, chúng tôi tiến đến gần động Chân Linh. Với địa thế nằm giữa hai ngọn núi sừng sững đâm thẳng lên trời xanh Thanh Tuyền và Vũ Tọa, nhưng động Chân Linh không vì thế mà mất đi vẻ uy nghi, hùng vĩ; trái lại, nét hoang sơ càng nhân lên gấp bội lần bên cạnh vẻ đẹp lung linh và huyền ảo của mây- trời- non- nước.

   1 

  Truyền thuyết kể rằng, nơi có động Chân Linh núi non trùng điệp, quanh năm cây cối xanh tươi. Dưới chân núi là cả một hệ thống hang động chạy sâu trong lòng núi. Dưới là nước, bên trên là vô số kiểu, hình dạng do thạch nhủ tạo thành. Động như một hoàng cung được xây bằng đá với một vẻ đẹp huyền thoại. Phía trước động, dòng Linh Giang lững lờ trôi tạo nên một bức tranh non nước hữu tình đầy chất thơ.

1

Truyền rằng, trong một lần dạo chơi, các Tiên nữ nhà trời chọn đây làm nơi dừng chân "giáng ngự cõi trần". Về sau được hậu thế tâm niệm mỗi lần gặp khó khăn, khổ đau, hoạn nạn trong cuộc sống, chỉ cần đến thắp hương khấn vái thần linh, tiên nữ sẽ được theo như ý muốn. Gặp hạn hán thì cho mưa, mất mùa thì cho thu bội … Nơi này vừa mang một vẻ đẹp thơ mộng, huyền ảo nay còn ẩn chứa thêm yếu tố tâm linh nên nhân dân tôn thờ và ca tụng. Ghi nhận những việc làm của các Tiên nữ, người dân sinh sống quanh vùng lập miếu thờ và cứ hằng năm tổ chức lễ tạ, định kỳ: "xuân - thu nhị kỳ".

1

Các cụ già ở xã Văn Hoá kể cho chúng tôi một chi tiết khá thú vị: Tiên nữ giáng trần ngụ tại Động Chân Linh còn được Vua (không biết niên hiệu và triều đại nào?!- PV) ban cho tước danh: “Phủ thượng đẳng thần tuyên triết thế nhân". Đến động Chân Linh chúng tôi được chứng kiến những vết tích còn lại của một ngôi miếu cổ. Động Chân Linh nguy nga và lộng lẫy ngày xưa nay chỉ còn trong hoài cổ. Đó chính là hậu quả của việc xây dựng đường sắt ( năm 1926) thời kỳ Pháp thuộc và những trận bom khốc liệt của đế quốc Mỹ trong những năm leo thang đánh phá miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Được biết nhân dân trong vùng đang có dự định tôn tạo lại Miếu thờ tiên nữ tại Động chân linh. 

1

      Chúng tôi tiêp tục men theo bờ phía tây làng Lệ Sơn, đi dọc dãy núi sừng sững với nhiều đỉnh cao chót vót như: Thi Đàn, Họa Các, Lèn Choi, Đồng Khâu… Trong lòng núi lại có rất nhiều hang động xuyên sâu như: hang Ong, hang Lụy, hang Ông Đờơng, hang Mụ Trằn, hang Trống, hang Hàm Rồng, hang Đá Gai, hang Thâu, hang Mít… Dưới chân núi có khe Trống, có rào nước Môội, có đèo Cá Rô… Cuối làng là lèn Bạch Mã. Vào sâu trong các thung lũng có lèn Khum. Anh Bùi Đức Nam, nguyên Chủ tịch xã Văn Hoá cho biết “Các cụ cao niên vẫn nhắc nhở con cháu, nơi đây xưa kia vua Hàm Nghi đã dừng chân trong cuộc hành bôn từ Huế ra Quảng Bình, Hà Tĩnh”. Tất cả tạo nên một hệ thống núi non liên hoàn chạy dọc theo chiều dài của làng Lệ Sơn.  

      Anh Bùi Đức Nam tiếp tục dẫn chúng tôi thăm hang Ong và hang Trống trong hàng chục hang động của vùng đất bên dòng Linh Giang này. Với bài trí của tạo hóa, cảnh vật của hang toát lên một vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ và say đắm lòng người. Khó có thể lột tả hết được vẻ đẹp ấy nếu chưa từng một lần đặt chân đến. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là không khí trong lành, mát mẻ, mang hơi thở rất riêng của miền rừng núi. Màu xanh của lá rừng, màu sẫm của đá tạc thành nền của một bức tranh thuỷ mặc. Tiếng gió thổi quyện với tiếng róc rách suối và vô vàn âm thanh phát ra từ muông thú... tạo thành một bản hòa ca vang vọng khắp núi rừng. Trong chiến tranh, hang Ong, hang Trống là nơi trú ẩn an toàn cho bộ đội, dân quân, du kích và nhân dân. Các đỉnh cao như Lèn Choi, Đồng Khâu dân quân, du kích xã chọn làm đỉnh trực chiến canh máy bay Mỹ.. 
 

     Từ rất xa xưa từng có thơ ca ngợi về vẻ đẹp thiên nhiên, cảnh làng Lệ Sơn như: “Lệ Sơn xuân vọng” (1858) của cụ Nguyễn Hàm Ninh, “Cảnh làng Lệ Sơn” (1939) của Trần Huân. Truyền thuyết lại càng day dứt hồn người: Xưa trên đất này đã có lần Phượng hoàng chao cánh lượn quanh để tìm đế đô. Song, hiềm một nỗi lúc bấy giờ Lèn chỉ được 99 chóp mà đàn Phượng có đến 100 con... Thế rồi chim Phượng  bay đi mất. Các nhà khoa học, sử học, các nhà nghiên cứu cũng đang có xu hướng tìm về Lệ Sơn, về Văn Hoá để khám phá, khai thác theo một chiều kích mới dưới góc độ văn hoá, tâm linh. Gần đây nhất, Tiến sĩ sử học Lê Thị Hòa, công tác tại Viện sử học Việt Nam đã nghiên cứu và tìm hiểu, bà viết bài "Lệ Sơn văn hiến", công bố rộng rãi khắp cả nước.

     Làng Lệ Sơn mãi mãi được vinh là danh vùng đất linh địa, cảnh sắc non bồng thủy tú. Núi non hòa quyện với sông nước tạo thành một bức tranh "Sơn thủy hữu tình". Những gì còn lại cho đến ngày hôm nay, dường như thêm một lần nữa khẳng định cho những câu chuyện thường được gọi là truyền thuyết, truyền kỳ, dã sử đó.

     Chúng tôi cùng những người tâm huyết ở xã Văn Hoá, với bài viết này, muốn giới thiệu về vùng đất với những danh lam thắng cảnh gắn liền với một bề dày lịch sử oai hùng, nhằm góp phần làm giàu thêm kho tàng văn hóa tỉnh trong dòng chảy mạch trào văn hóa Việt.

Tác giả bài viết: Ngọc Long (TH)