Thư ngỏ về việc nghiên cứu, biên soạn công trình “Địa chí làng Lệ Sơn”

Giới thiệu toàn văn thư ngỏ của Ban biên soạn công trình “Địa chí làng Lệ Sơn”
Kính gửi:  Bà con, cô bác, anh chị em, con cháu, dâu rể làng Lệ Sơn đang sinh sống, học tập, công tác trên mọi miền đất nước và ở nước ngoài !
 
Hiện nay, chúng tôi bước đầu đã và đang triển khai việc nghiên cứu, biên soạn công trình “Địa chí làng Lệ Sơn” theo sự ủy thác của “Ban vận động viết Địa chí làng Lệ Sơn” tại thành phố Đồng Hới. Công việc này là ước mơ, tâm nguyện ấp ủ bấy lâu nay của bao thế hệ con em làng Lệ Sơn nói chung và các thành viên của Ban biên soạn nói riêng. Với mong muốn được góp chút hiểu biết nhỏ bé của mình cho quê hương bằng việc thu thập, cóp nhặt những tinh hoa văn hóa của các thế hệ tiền nhân Lệ Sơn từ buổi đầu “khai sơn phá thạch” tới nay để hệ thống hóa thành cuốn cẩm nang, công trình khoa học cho hậu thế, âu cũng là ước vọng của biết bao người con quê hương.

Đối với chúng tôi, được viết địa chí làng là một vinh dự lớn nhưng quả thực đây là công việc lớn lao, hệ trọng và không dễ dàng chút nào. Bởi làng Lệ Sơn của chúng ta là một trong những làng có bề dày lịch sử và văn hóa trên 500 năm, lại là làng đứng đầu “bát danh hương” của tỉnh Quảng Bình nên chúng tôi cho rằng điều quan trọng nhất khi viết địa chí là làm sao khái quát và toát lên được nét tiêu biểu mang bản sắc văn hóa đặc trưng của làng quê Lệ Sơn, mà không trộn lẫn với làng quê khác. Tuy nhiên khó bao nhiêu cũng phải làm, đó là đạo lý và trách nhiệm của thế hệ hôm nay không chỉ đối với các thế hệ tiền nhân mà quan trọng hơn là còn đối với hậu thế sau này.

Từ mốc khởi điểm năm 2012, viết về lịch sử hình thành và phát triển của làng Lệ Sơn hơn 500 năm qua, trong bối cảnh tư liệu, các cứ liệu lịch sử, đặc biệt là các giá trị văn hóa phi vật thể đã bị thất lạc, hủy hoại, mai một do thời gian và con người. Vì vậy để hoàn thành bức tranh tổng thể, hoàn chỉnh về làng Lệ Sơn trong dòng chảy của lịch sử dân tộc là một thách thức lớn đối với chúng tôi. Trong khi những người tham gia trực tiếp nghiên cứu, biên soạn thì không nhiều, lại thuộc diện “tài hèn trí mọn” mà dám đứng ra gánh vác công việc hệ trọng nên cũng rất lo lắng và trăn trở là sẽ không đáp ứng được sự kỳ vọng của nhiều người.

Một khó khăn nữa là các thành viên trong Ban biên soạn vẫn đang là viên chức, công chức nhà nước nên thời gian dành cho việc nghiên cứu không thể tiến hành một cách liên tục. Thời gian chúng tôi dành cho việc thu thập tư liệu, nghiên cứu, biên soạn chủ yếu là ngoài giờ hành chính và thứ bảy, chủ nhật. Tuy nhiên chúng tôi thấy rằng càng để lâu thêm ngày nào thì tư liệu càng hao mòn và mất dần ngày đó nên phải cố gắng bắt tay vào công việc ngay không để chậm trễ hơn nữa. Chúng tôi xin cung cấp thêm một vài thông tin về việc triển khai đề tài.

Từ tháng 10 đến tháng 11 năm 2012, chúng tôi đã xây dựng xong đề cương chi tiết và tham khảo sự góp ý của một số học giả có chuyên môn như TS Sử học Nguyễn Khắc Thái, PGS - TS Trần Vĩnh Tường, PGS- TS Văn học Lương Ngọc Bính…. Ngoài ra chúng tôi còn nhận được sự cộng tác của các nhà quản lý, các nhà chuyên môn ở nhiều lĩnh vực như kinh tế, tài nguyên, khoa học xã hội, nhân văn như Lê Minh Tuyên, Lê Minh Ngân, Lương Văn Luyến, Lương Hải Lưu…

Để viết cuốn địa chí này, Ban biên soạn gồm: Ths Lịch sử Lê Trọng Đại, Ths Văn học Lương Hồng Văn, Ths Mĩ thuật Trần Công Thoan, Cử nhân Văn học Trần Hữu Danh đã xây dựng thành một công trình dưới dạng đề tài khoa học gồm hai phần: Thiên nhiên, lịch sử và văn hóa. Nội dung nghiên cứu được chia thành 6 chuyên đề:

- Chuyên đề 1: Địa lý tự nhiên, địa lý hành chính, cư dân và xã hội
- Chuyên đề 2: Lịch sử
- Chuyên đề 3: Văn hóa vật chất
- Chuyên đề 4: Văn hóa tinh thần
- Chuyên đề 5: Nhân vật
- Chuyên đề 6: Tranh, ảnh minh họa.

Để có thêm tài liệu và sự giúp đỡ, tham gia của mọi người, chúng tôi kính mong quý vị nào có tư liệu hoặc trao đổi ý kiến xin gửi về Ban biên soạn theo địa chỉ E-mail: letrongdaidhqb@gmail.com, hoặc danhcaqb@gmail.com.

Ban biên soạn sẽ tiếp thu, nghiên cứu, lựa chọn tư liệu và ý kiến của quý vị để sử dụng. Ban biên soạn xin chân thành cảm ơn và sẵn sàng đón nhận mọi đóng góp về tư liệu và ý kiến của quý vị cho cuốn “Địa chí làng Lệ Sơn”.

Những đóng góp của quý vị sẽ góp phần quan trọng vào sự thành công của công trình.

Trước thềm năm mới Quý Tị 2013, Ban biên soạn xin gửi tới quý vị lời chúc dồi dào sức khỏe, an lành, thịnh vượng và hạnh phúc !. Xin gửi tới quý vị lời chào trân trọng nhất !.

Thay mặt Ban biên soạn
 
       Lê Trọng Đại

Tác giả bài viết: Lê Trọng Đại