Miếu thờ các họ đại tôn ở làng Lệ Sơn (Phần 1)

Bài viết về Miếu thờ các họ đại tôn ở làng Lệ Sơn của tác giả Lê Trọng Đại
a) Miếu thờ Lê tộc đại tôn
Riêng Lê tộc có hai miếu gồm: miếu thờ ngài Sơ tổ Lê Văn Khanh ban đầu miếu được xây ở lùm mộ tổ (cũng là nơi đặt mộ cố Sơ tổ Lê Văn Khanh, được Ngài Thủy tổ Lê Văn Hành cải táng từ Yên Mô Thượng, Yên Khánh, Ninh Bình đưa vào). Nơi đặt mộ Ngài Sơ tổ có diện tích chừng một công mẫu là đất thờ tự thuộc sở hữu của Lê tộc xưa; được miễn nộp thuế. Lùm mộ này trước đây cây cối mọc thành rừng trở thành một khu cấm địa của Lê tộc. Năm 1940, miếu thờ Ngài Sơ tổ được dời về xứ Hà Thâu đặt gần đối diện với chùa Phúc Tự. Đó cũng là vị trí của miếu thờ ngài Sơ tổ Lê tộc hiện nay. Lùm mộ nói trên tồn tại đến năm 1957 khi Lệ Sơn thực hiện cải cách ruộng đất thì bị triệt phá biến thành đất canh tác nông nghiệp của Hợp tác xã.

 

Miếu thờ sơ tổ Lê tộc nhìn tư cổng vào, trên hai trụ cổng gắn câu đối ở bên trái là Sơn hà phong cảnh đại quan và bên phải là Lễ nhạc y quan sở túy


Bái đường nhà thờ Sơ tổ Lê tộc đại tôn


Đình gắn câu đối: bên phải là Cư tiên bát đại tính và bên trái là Vi thủ tứ danh hương


Hậu chẫm miếu thờ Sơ tổ Lê tộc
 
Miếu thờ và phần mộ của ngài Sơ tổ được cố Lê Văn Hành giao cho 6 người con trai đầu coi sóc thờ phụng; miếu này còn được gọi là miếu họ Lê trên.
Ông bà Lê Văn Hành về già sống với người con trai thứ bảy (con trai út) là cố Lê Thuần Phác. Sau khi ông bà qui tiên, phần mộ được táng tại khu lùm mộ thứ hai (ngày nay khu vực đó được gọi là xứ Nương Cau). Lùm mộ này cũng có diện tích chừng một công mẫu cây cối um tùm trở thành cấm địa thứ hai của Lê tộc. Trước cải cách ruộng đất (1957), các thế hệ con cháu Lê tộc thay nhau cắt cử người trông nom các lùm mộ hết sức nghiêm cẩn. Sau cải cách ruộng đất cả hai lùm mộ nói trên mới bị triệt phá biến thành đất canh tác. Hiện nay chính quyền địa phương chọn khu vực này làm nghĩa địa chính của xã. Sau khi qua đời, ông bà Thủy tổ Lê Văn Hành được con cháu lập miếu thờ ở đồng Cồn Trôi. Miếu thờ ngài Thủy tổ Lê tộc thường được gọi là miếu họ Lê dưới. Về cơ bản hai miếu có cùng một mô típ kiến trúc. Ngoài có tường bao bọc có cổng cao gắn câu đối; sau cổng là bức bình phong, sau bình phong là một khoảnh sân; kế đến theo thứ tự là bái đường, long đình và hậu chẫm. Hai bên hậu chẫm, mỗi bên đều có hai miếu nhỏ tất cả hợp lại với phần chính điện thành kiến trúc Ngũ lâu

 

Miếu thờ ngài Thủy tổ Lê tộc - cố Lê Văn Hành là vị Tiền Khai canh lập ấp của làng Lệ Sơn nhìn từ ngoài vào. Miếu này được xây dựng ở xứ Cồn Trôi từ thế kỷ XVI  qua nhiều lần trùng tu và đây là kết quả đợt trùng tu đầu thế kỷ XXI.



Tại miếu thờ Sơ tổ Lê tộc đại tôn vào các ngày tết, giỗ chạp thường treo cao lá cờ Khai canh do triều Bảo Đại cấp, xác nhận công lao khai khẩn làng Lệ Sơn của Lê tộc
 
 b) Miếu thờ Trần tộc đại tôn và các dòng họ khác mời quý độc giả đón đọc các tập tiếp theo

 

Tác giả bài viết: Lê Trọng Đại