Lê Di - Một danh nhân người Lệ Sơn được cấp 8 sắc phong và cũng là nhân vật được chép vào Nhất thống chí và Chính biên liệt truyện của triều Nguyễn (Phần 2)

Giới thiệu phần 2 của bài viết Lê Di - Một danh nhân người Lệ Sơn được cấp 8 sắc phong và cũng là nhân vật được chép vào Nhất thống chí và Chính biên liệt truyện của triều Nguyễn, tác giả Lê Trọng Đại
Bài viết kỳ trước đã đăng:
1. Lê Di - Một danh nhân người Lệ Sơn được cấp 8 sắc phong và cũng là nhân vật được chép vào Nhất thống chí và Chính biên liệt truyện của triều Nguyễn (Phần 1)


 LÊ DI - MỘT DANH NHÂN NGƯỜI LỆ SƠN ĐƯỢC CẤP 8 SẮC PHONG VÀ CŨNG LÀ NHÂN VẬT ĐƯỢC CHÉP VÀO NHẤT THỐNG CHÍ VÀ CHÍNH BIÊN LIỆT TRUYỆN CỦA TRIỀU NGUYỄN


Từ một quan chức cấp huyện Lê Duy Di bằng tài năng và phẩm hạnh của mình nhanh chóng được rút vào triều và cất nhắc lên thành một trọng thần, sau một thời gian hoạt động nổi bật ở kinh đô ông được triều đình tin cậy trao nhiệm vụ mới của một quan chức cấp tỉnh.  Năm 1842, vua Tự Đức quyết định bổ Lê Duy Di làm Án sát sứ tỉnh Biên Hòa và sau đó không lâu lại chuyển sang đảm nhận chức Án sát sứ Gia Định là một tỉnh lớn và quan trọng ở phía Nam. Chỉ làm Án sát sứ một thời gian ngắn song do lập được công tích mới nên vua Tự Đức đã thăng Lê Duy Di lên chức Thừa chánh sứ thuộc Thừa chánh sứ ty Quảng Nghĩa (đứng đầu ty Thừa chính Quảng Nghĩa). Sự việc này được thể hiện qua sắc phong số 6:

           “Sắc Án sát sứ Gia Định là Lê Di, từng có công lao thực hành chính sự. Nay chuẫn thăng cho ngươi chức Thừa chánh sứ thuộc Thừa chánh sứ ty Quảng Nghĩa. Phàm tất cả các sự vụ trong địa hạt đều tuân theo điển lệ mà thực thi. Nên gắng mà hoàn thành chức phận, mẫn cán chu toàn mọi việc công để xứng với sự phó thác của Trẫm. Hãy kính theo. Ngày 3 tháng 8 Tự Đức năm thứ 3 (1850) [5]. Sách Đại Nam chính biên liệt truyệt cũng chép:

         “... Năm Tự Đức thứ 3, đổi Bố chính sứ Quảng Ngãi, lúc hoảng việc gọi lính đóng thuyền và thuế dân ngoại ngạch cùng thuế vô danh tạp hóa đều tâu xin bãi. Duy Di tính cương trực, biết việc gì là nói, thường dâng sớ xin kính tin đại thần, nêu khen các công thần” [1; 193].

          Đoạn văn trên chứng tỏ Lê Duy Di rất thương yêu dân nên đã mạnh dạn đề nghị triều đình giảm bớt một số loại thuế khóa và góp ý thưởng phạt công minh từ đại thần đến dân chúng. Nắm chức Bố chính sứ của một tỉnh lớn thì phẩm hàm của Lê Duy Di lúc này đã lên tới “Chánh Tam phẩm”.

         Nhờ thực hành xuất sắc nhiệm vụ mà từ Thừa chánh sứ ty, không đầy 3 năm Lê Duy Di  được vua Tự Đức thăng lên Bố chính sứ hàm tam phẩm. Trên cương vị Bố chính sứ Quảng Ngãi, Lê Duy Di đã lập được nhiều công tích mới nên Nhà vua tiếp tục ban sắc phong thưởng cho ông chức Gia nghị đại phu Thừa chánh sứ ty Thừa chánh sứ các địa phương ở Quảng Nghĩa; sự kiện này được minh chứng qua sắc phong số 7: 

         “Vâng mệnh trời hưng vận, Hoàng đế ban chế rằng: Trẫm theo tuần tiết mà chia ra làm 24 khí, vận hành chẳng sai; so với công tạo hóa, thì vương triều ta dù trăm nghìn năm song cũng rất nhỏ nhoi. Dù vậy vẫn có công của thần gắng sức giúp đế vương. Nay Trẫm ban chiếu chỉ cho ngươi là Lê Di chức Bố chánh sứ Quảng Nghĩa. Vốn là người nho nhã, phong cách hiên ngang, khí chất kiên cường, đức tính khoan dung; am tường điển chương, có tài văn học chính sự. Cần mẫn hoàn thành chức phận, nhiều lần lập công lớn. Nay theo điển lệ, đặc ân gia ban cho chức Gia nghị đại phu Thừa chánh sứ ty Thừa chánh sứ các địa phương ở Quảng Nghĩa. Ban cho cáo mệnh, gắng gỏi tận tâm, tận lực phụng sự để được ân trạch nối dài mãi mãi. Hãy kính theo! Ngày 6 tháng giêng năm Tự Đức thứ 6 (1853)”[3].

        Có lẽ sau khi ban chức gia nghị đại phu thì vua Tự Đức điều Lê Di sang làm Bố chính sứ tỉnh Quảng Nam. Bước sang tuổi 36, khi tài năng đang độ đỉnh cao, tiếp tục hứa hẹn những đóng góp mới cho dân cho nước thì thật đáng tiếc là chẵng may ông mắc phải bạo bệnh và qua đời để lại bao nổi tiếc thương cho triều đình và dân chúng. Trước sự “ra đi” của ông, vua Tự Đức vô cùng thương tiếc đã ban sắc truy phong Lê Duy Di lên chức Tuần vũ hàm Tòng nhị phẩm.

 
Sắc phong  số 8:
 
1
 
            Phiên âm: Sắc Quảng Nam tỉnh Bố chánh sứ Lê Di biện sự cần cán trì tâm thanh bạch. Tư bất hạnh cố thù thuộc, khả chẩn, gia ân chuẩn nhĩ truy thụ Tuần vũ dụng thị lễ tuất. Khâm tai! Tự Đức lục niên thập nhị nguyệt nhị thập tam nhật.

           Dịch nghĩa: Ban sắc Bố chánh sứ Quảng Nam là Lê Di, người luôn mẫn cán với chính sự, giữ tấm lòng thanh bạch. Nhưng nay bất hạnh bị bệnh mà qua đời. Trẫm vô cùng thương xót mà gia ân truy phong chức Tuần vũ, tỏ lòng tiếc thương chuẩn thị cho ngươi để gia đình thụ hưởng đặc ân. Hãy kính theo ! Ngày 23 tháng 2 năm Tự Đức thứ 6 (1853).

          Nhờ tài năng nổi bật, nhân cách cao thượng và bản lĩnh sắt thép, lại có đóng góp không nhỏ cho triều đình và dân chúng nên sau khi mất Lê Duy Di đã được triều đình Tự Đức đưa vào danh sách các trung thần để nhà nước thờ tự. Ngoài ra tên tuổi của ông còn được ghi chép trong cả hai cuốn sách Đại Nam chính biên liệt truyện và Đại Nam nhất thống chí đời Nguyễn; sánh vai với các đại thần như Trương Đăng Quế, Nguyễn Tri Phương, Đặng Huy Trứ, Vũ Xuân Cẫn. Tập san Quảng Bình quê tôi trong mục “những người để tiếng” đã viết về Lê Duy Di với tên Lê Dần rằng: ”Lê Dần quê ở phủ Quảng Trạch đỗ Hương tiến (Cử nhân) khoa Đinh Dậu (1837) và được giữ chức Bố chính  hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Tính tình ông bình dị, làm quan thanh bạch túi hoạn tiêu sơ, nên được nhân dân mến phục, tiếng tốt đồn đãi khắp nơi. Ông bị bệnh và mất tại quan xá được vua phong chức Tuần vũ”[4; 50].   

          Quan nghiên cứu gia phả Lê tộc đại tôn ở Lệ Sơn chúng tôi thấy hậu duệ đời thứ 3 của Ngài là cố Lê Bính từng giữ chức Học sỹ thị độc quan Phụng nghị Trung thuận đại phu, Quang lộc tự khanh, phiên dịch thư tịch, sau làm Đốc học ở Quảng Ngãi nổi tiếng văn hay chữ tốt và tính cách thanh cao khảng khái không khác gì cố Lê Duy Di. Hiện nay hậu duệ của Lê Duy Di rất đông đang sống ở Quảng Bình, Nghệ An và cả Thái Lan. Phần lớn con cháu thuộc chi của cố Lê Duy Di đều thành đạt trên nhiều phương diện và vẫn giữ đươc truyền thống tốt đẹp của tiền nhân. Đặc biệt hậu duệ đời thứ 5 của Ngài có hai người là cán bộ cao cấp trong quân đội (gồm Đại tá Lê Gia Sáo chuyên viên cao cấp của Cục 2 Bộ Quốc phòng đã nghỉ hưu và Đại tá Lê Hồng Văn hiện đang giữ chức Chủ nhiệm Chính trị Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình).

          Như vậy, qua việc khai thác các tư liệu chính sử và điền dã chúng ta cũng phần nào dựng lại được chân dung của một danh thần mà nhân cách và đạo đức cao đẹp đáng để cho lớp hậu thế chúng ta phải học tập. Cố Lê Di không chỉ là niềm tự hào của danh hương Lệ Sơn mà còn xứng đáng là một danh nhân Quảng Bình nổi bật trên phương diện chính trị. Việc giới thiệu công đức của Ngài với bà con Lệ Sơn như là một nén tâm hương tri ân một bậc tiền nhân đáng kính của tác giả. Với hiểu biết có hạn, bài viết chắc khó tránh khỏi khiếm khuyết, kính mong độc giả góp ý tác giả bài viết xin chân thành cảm ơn./.

Tài liệu tham khảo
  1. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam chính biên liệt truyện tập 4, NXB Thuận Hóa, Huế, 1993.
  2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí tập 2, NXB Khoa học Xã hội, HN, 1970.
  3. Tập san Quảng Bình quê tôi Hội ái hữu đồng châu quảng Bình xuất bản tại Sài Gòn, 1970, 
  4. Lê Hồng Vệ, Công bố sắc phong cho quan Lê Duy Di, Đời thứ 11, nhánh Lê Thuần Phác, phần 1,2,3 Website:langleson.net      
  5. Tư liệu điền dã dân tộc học của Lê Trọng Đại:
+ Gia phả Lê tộc đại tôn Lệ Sơn (bản dịch năm 1973).
+ Sắc phong của triều Nguyễn cho Lê Duy Di (bản gốc chữ Hán) và bản dịch của Viện Hán Nôm Việt Nam.

Tác giả bài viết: Lê Trọng Đại