Động Chân Linh - Huyền thoại và lịch sử (Phần 2)

Giới thiệu bài khảo cứu về Động Chân Linh của nhóm soạn thảo Địa chí Làng Lệ Sơn do Th.S Lê Trọng Đại chủ biên
Bài kỳ trước đã đăng:
1. Động Chân Linh - Huyền thoại và lịch sử (Phần 1)


Từ cổ chí kim đã có khá nhiều nhà văn, nhà thơ sáng tác hàng chục tác phẩm ca ngợi động Chân Linh nhưng bài“Chân Linh động luyện văn của cố nhà thơ Nguyễn Cả Hằng viết vào thế kỷ XIX vẫn xứng là tuyệt bút. Có thể xem bài luyện là thi phẩm “vô tiền khoáng hậu” về động này. Xin được trích phần đầu  của bài luyện để minh họa thêm cho vẽ đẹp của động Chân Linh:
 
 “Đất Nam Việt trời xây cảnh lạ,
Động Chân Linh thanh giá muôn đời;
Quanh xem bờ cõi chân trời,
Thanh sơ bích thủy gấp mười đào nguyên.
Sách địa chí dõi truyền phong cảnh
Hai mươi ba dễ sánh động này,
Ba ngàn cảnh thú vui vầy
Sông sâu rồng hóa, non dày tiên chơi...
Chân Linh này động chúa Tiên
Đá xanh còn tạc, công liêng dõi truyền.
Nơi in dấu Thiên Tiên Thánh nữ,
Tốc lai lâm giá ngự chốn này.
Đằng vân ngựa gió, xe mây,
Tới đền Vu Giáp ra tay Xích Tùng
Đức Động Chúa vốn dòng châu quế,
Con đức vua Thượng đế Thiên quân.
Phép làm giá vũ đằng vân,
Càn khôn khép mở quỷ thần vào ra.
Từng xe hạc bay qua Bắc Hải,
Bầu gió trăng thu lại trong tay.
Đờn thung sinh phụng thảnh thơi,
Khi vui đan quế, khi say ngọc đào...
Động Chân Linh ngàn xanh mây phủ,
Giải Linh giang thủy tụ ngàn trùng
Lần xem phong cảnh lạ lùng,
Khả nhân, khả cảnh bận lòng chúa Tiên
Trong thạch động tam thiên cảnh giới,
Riêng càn khôn một túi thu tàng.
Thanh thanh lầu ngọc, nhà vàng
Màn mây, rèm gió rõ ràng cảnh tiên...
Cảnh cây cỏ trăm ngàn tươi tốt
Thú lân chơi, phượng hót thêm màu
Vườn ngân hoa nở bích đào
Trái vàng cành táo, trà màu lung linh...”


 
1
  
          Trước sự linh ứng của Chân linh động chủ, làng Lệ Sơn đã lập miếu thờ  “Chân Linh tiên nữ” trên ngọn núi này ở độ cao cách mặt nước sông Gianh gần 100 m. Hằng năm, trước Cách mạng tháng Tám 1945, vào giữa mùa xuân chức dịch và bô lão cùng dân làng làm lễ cúng tế đều dặn. Những năm hạn hán nhân dân Lệ Sơn sắm lễ vật lên miếu Chân Linh và dùng bài Luyện động Chân Linh để cúng tế thần cầu mưa. Sau khi cúng tế làng giết một con chó lấy đầu mang lên thuyền chèo ra khúc sông trước cửa động ném đầu chó xuống. Với quan niệm thần không chấp nhận cửa động bị ô ếu vì máu chó nên thần sẽ nên phải cho mưa xuống để tống khứ thứ uế tạp đó đi và nhờ đó dân làng thoát khỏi hạn hán.

 

          Đúng như Lê Hồng Vệ có viết: “Với dân làng Lệ Sơn ngày nay, họ đã không còn trông lên phía Tây ấy, để cầu trời cho mưa xuống nữa, bởi dân sinh đã trị được thủy. Dòng chảy bê tông đã giải quyết thay cho sự cầu đảo ngày xưa ấy. Nhà máy đã và đang mọc lên. Hói Chánh đang có đề án xây dựng để dự trữ lưu lượng nước đủ tưới. Nét văn hóa tín ngưỡng dân gian, mang tính cộng cầu cao, đã dần chìm sâu vào quên lãng và chỉ còn đọng lại trong câu chuyện kể ngày xưa. Hình ảnh Bà tiên đang dần lu mờ trong sự nhận thức xã hội, khi khoa học kỹ thuật đã kịp giúp sức cho con người. Dù chưa có công trình khảo cứu xếp hạng của nhà nước, dù chưa ai được một lần gặp Bà tiên của chúng ta, nhưng trong tâm hồn lẫn trong kho tàng lịch sử và văn hóa dân gian của người Lệ Sơn, động Chân Linh và huyền thoại về Chân Linh động chủ đã được xếp hạng”.

           Động Chân Linh và tín ngưỡng cầu mưa của Lệ Sơn không chỉ được thể hiện trọng bài luyện kể trên mà còn đi vào cả lời hát chúc tụng nữ thần Chân Linh được nhà nghiên cứu Lương Duy Tâm đưa vào tập sách địa lý lịch sử Quảng Bình dưới nhan đề Bài 1. Hạn hán kéo dài

          “Hỡi nữ thần! Hãy đoái nhìn cỏ cây! Tất cả đều khát khao mưa, Ngươi có thấy không, hỡi người mẹ của chúng con…Vì sinh linh tội nghiệp, Người hãy khép chiếc quạt gây ra gió nóng! Phải chăng tình cờ Người đã quên nhiệm vụ che chở, cứu vớt sinh linh?...Vì lòng xót thương, người hãy hạ xuống bàn thờ mà chúng con đã dựng lên để ca ngợi vinh quang của Người! Vì lòng xót thương, Người hãy lệnh cho thần làm nên những điều kỳ diệu với cây hương này đánh đuổi con quỷ hạn hán đi! Người hãy phất lên ngọn gió thổi mang mưa về!...Xin Người hãy làm cho sấm vang, sét nổ! Xin bảo thần nước hãy rót chai nước bọt của rồng ra!... Xin Người hãy cho chúng con mưa thuận gió hòa từ bốn phương trời! Xin Người hãy cho một trận mưa vàng đỗ xuống tất cả đồng ruộng của chúng con! Chúng con xin hết lòng đa tạ người…”

 


        Trải qua phong hóa của thời gian và sự tàn phá của chiến tranh mà miếu Chân Linh trước đây đã bị đỗ nát, làng Lệ Sơn mất đi một di tích đặc biệt trong suốt một thời gian khá dài. Ước nguyện dựng lại miếu thờ Chân Linh tiên nữ để giúp hậu thế thấy được phần nào một danh thắng văn hóa “bồng lai tiên cảnh” xưa và cho du khách được mục kích các lễ tế và lễ cầu đảo Chân Linh động chủ của làng Lệ Sơn trước đây; âu cũng là một mong ước chính đáng. Cuối năm 2012, đáp ứng nguyện vọng của quần chúng nhân dân Lệ Sơn và được sự hỗ trợ của đơn vị xây dựng nhà máy xi măng Văn hóa, Lãnh đạo Đảng và Chính quyền xã đã cho xây lại miếu thờ và sửa chửa con đường lên miếu. Nhờ đó mà từ nay con em Lệ Sơn và du khách đến Lệ sơn có thể đến thăm miếu thờ, để ôn lại những huyền thoại và hoạt động tín ngưỡng văn hóa tâm linh mang đặc trưng của cư dân nông nghiệp lúa nước. Miếu thờ Chân Linh động chủ từ nay lại trở thành một địa chỉ cho du khách và con em Lệ Sơn đến du lãm. Trong tương lai khu vực miếu động Chân Linh có thể trở thành nơi tổ chức lại một số hoạt động văn hóa tâm linh kếp hợp với du lãm danh thắng kỳ quan khi mà làng Lệ Sơn đủ sức phát triển mảng dịch vụ du lịch.


Tài liệu tham khảo
  1. Mai Đình Lê Tộ, Vải tiến Lệ Sơn, Tập san Quảng Bình quê tôi năm, xb 1971.
  2. Nguyễn cả Hằng, Chân Linh Động luyện Văn, viết về đời Thiệu trị, Tự Đức, in trong Quảng Bình quê tôi, Lương Duy Tâm sao lục và chú giải.
  3.  Lương Duy Tâm, Địa lý- Lịch sử Quảng Bình, Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình, 1998.
  4. Lê Hồng cẩn chí, Động Chân Linh và tín ngưỡng cầu mưa của cư dân Lệ Sơn, đăng Langleson .net ngày 04/6/2012

Tác giả bài viết: Lê Trọng Đại