Những ngọn núi mùa lụt của làng Lệ Sơn

Bác dâu tôi gần 90 rồi. 8 người con ở xa hết. Chị út lấy chồng gần nhất cũng cách 5 cây. Nước lụt lên ầm ầm, nhanh như cắt, cách 5 cây số không có xuồng và không biết xuồng cũng chẳng khác gì các anh chị khác ở xa dăm, bảy trăm cây số...

1. Khi nước vừa rút và các anh chị ấy chạy được về thì thấy bác (tức chị dâu của ba tôi) ngồi trên tra (gác xép gỗ), chân thả thỏng xuống, nói gì đó yếu ớt, không ai nghe rõ. Trong nhà, bùn lõng bõng, dấu nước chỉ nước lụt đã tráng qua ban thờ. Nghe tiếng các con về, bác không kịp chờ con trai cả lên cõng xuống, đái luôn, để nước tồ tồ chảy từ trên tra xuống nền nhà. Bác nói: Hai ngày nay, tao nhịn ăn, nhịn uống, nhịn cả đái…
 

Bác dâu tôi gần 90 rồi. 8 người con ở xa hết. Chị út lấy chồng gần nhất cũng cách 5 cây. Nước lụt lên ầm ầm, nhanh như cắt, cách 5 cây số không có xuồng và không biết xuồng cũng chẳng khác gì các anh chị khác ở xa dăm, bảy trăm cây số. Làng tôi 3.500 nhân khẩu mà có đến 750 cụ cao tuổi, trong đó đếm áng chừng khoảng 200 cụ bà trên 80 tuổi ở một mình. Ấn tượng nhất với tôi sau lũ về làng là hình ảnh những mệ ( bà) già ngồi nhìn như hóa đá ra cửa, nơi cây cối đổ ngổn ngang, củi rèo từ thượng nguồn về chất kín. Nếu các con không về được, chẳng mệ nào í ới cả. “Mình lo được cả. Rồi cũng xong cả. Đừng nói gì thêm mà chúng nó nóng ruột. Chúng nó mà lo quá rồi lại bắt mình đi theo ra thành phố...”. Các mệ - một giọng, một ý như nhau. Nói chung, không muốn đi đâu. Nếu không có họ, từng mái nhà chắc sẽ chông chênh lắm. Không có họ, làng sẽ vắng dần. Những người gia quê tôi, bám vào từng mảnh vườn, từng cái bếp nhỏ, từng cái tra gỗ cũ mà bền một cách bền bỉ, vững chãi như những ngọn núi…

 

Nhung ngon nui mua lut cua lang Le Son - Anh 1

Làng Lệ Sơn được bao bọc bởi các dãy núi, có phong cảnh sơn thủy hữu tình. ảnh: A.T

 

2. Khi không bão càn, lụt to, nắng khô, gió rát, làng Lệ Sơn đẹp như một bức tranh, lưng tựa vào những ngọn núi đá vôi hùng vĩ của dãy Trường Sơn, phía mắt nhìn ra sông Gianh xanh ngắt. Truyền thuyết xưa kể rằng: Làng Lệ Sơn có 99 chóp núi. Vì con Phượng hoàng thứ 100 không có chóp núi để đậu nên làng không được chọn là kinh đô. Người Lệ Sơn quá nửa đầu thế kỷ 20 chỉ có hai nghề chính là làm ruộng và dạy học nhưng cũng đã xê dịch nhiều. Giờ, người làng càng ngày càng đi xa khắp nước. Đến cả vùng xa xôi như Bình Phước, Gia Lai, Lâm Đồng…còn cả xóm người Lệ Sơn.

Tết Nguyên đán, Tết Độc lập người làng làm ăn xa tứ xứ về đông nghịt. Lũ lụt xong, mọi người í ới gọi nhau trở về làng. Kể cả những người không còn nhà, không còn mạ ở làng cũng thổn thức cùng làng theo con nước lên. Thuyền cứu trợ, máy nổ, gạo, mì, tiền bạc của cả nước đã theo cùng những người con Lệ Sơn về làng.


Sau trận lụt lớn trong năm, khi nước vừa rút, khi những người lái xe quen đường và to gan lớn mật có thể bì bõm lội nước, vượt bùn, những người con xa quê ở xã Văn Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình (tên hành chính của làng Lệ Sơn) vội vàng tìm về làng. Về trước hết để coi: “Mạ ra răng (thế nào) rồi. Về để soạn lụt cho mạ dù có nhà, ba mạ đã ngồi lên bàn thờ. Khi con nước lên, nước xuống, ở xa phập phồng cùng những bức ảnh, lời sẻ chia, câu thơ qua facebook của người làng, có cảm giác 99 ngọn núi không chỉ bao quanh ranh giới có thật của làng nữa. Như thể 99 ngọn núi đang dịch chuyển để ở cùng người Lệ Sơn ở tứ xứ, làm trụ cột tinh thần Làng cho những người con đi xa và trở về.

Những ngọn núi bám rễ sâu ở làng – và những ngọn núi tinh thần Làng ở xa đang gắn quyện vào nhau thành những chóp núi Lệ Sơn thời nay vừa bền vững, can trường vừa dẻo dai, linh hoạt.

 

Nhung ngon nui mua lut cua lang Le Son - Anh 2

Hoàng hôn trên sông Gianh, Lệ Sơn. ảnh: T.A

 

3. Mưa to, gió lớn, khi nước lên tràn qua con hói (rạch) len qua các hố (ngõ) để vào thôn xóm, dù ở xa hàng ngàn cây số, người Lệ Sơn tứ xứ gọi điện cho nhau để “nắm tình hình”. Nếu không liên lạc được với người nhà, đa số đều gọi cho lãnh đạo thôn, xã. Trong hơn chục năm trở lại đây, cán bộ xã quê tôi đa số là trẻ. Thì phải trẻ mới chịu nổi thức đêm canh nước, mới có thể lội nước, soạn lụt cùng dân. Và đặc biệt, chịu được áp lực của việc… chia quà cứu trợ.


Người làng Lệ Sơn người đi xa nhiều hơn người ở làng. Đi xa, biết nhiều thứ hay, dở của thiên hạ. Nếu về làng không đem tấm chân tình ra với nhau, không thấu hiểu cái khổ của cán bộ thôn xã quanh năm trần lưng ra với lụt, bão, nắng, hạn mà bắt bẻ thì “cán bộ ở nhà” càng khổ trăm bề. May mà họ trẻ!


Làng và Núi đã khác xưa. Nhưng Làng và Núi không mất đi. Làng và Núi của xứ lắm lụt nhiều bão bên triền Gianh đang chiếm ngự tinh thần của người Lệ Sơn chúng tôi thời nay theo cách của thời nay mà thôi… /.

Tác giả bài viết: T.T